Dịch Covid-19 đang âm thầm tạo ra một sự dịch chuyển trên thị trường chứng khoán. Những nhà đầu tư mới F0 đang dần trở thành tay chơi chính trên thị trường.
Trước hết, bài viết này không nhằm mục đích nâng ai hay dìm ai. Nó chỉ đơn giản phản ánh mặt mạnh và mặt yếu của các nhóm nhà đầu tư khác nhau. Thông qua cái nhìn thẳng thắn về bản thân mình, chúng ta mới có thể tiến bộ được.
Hãy cùng mổ xẻ nhóm Fn
Chúng ta tạm hiểu về F0 và Fn như thế này:
F0 có nghĩa là những cá nhân/tổ chức không có kinh nghiệm trong lĩnh vực nào đó và đang tham gia vào lĩnh vực đó lần đầu.
Fn có nghĩa là những cá nhân/tổ chức có nhiều năm kinh nghiệm. Đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Nó cũng phần nào làm bộc lộ khá nhiều nhược điểm của trường phái đầu tư theo kinh nghiệm.
Kinh nghiệm sẽ đi kèm với định kiến. Một người sống lâu thì sẽ có nhiều kinh nghiệm. Kinh nghiệm là thứ không thể thay thế trong nhiều trường hợp vì tương lai thường là sự lặp lại của quá khứ. Tuy nhiên, kinh nghiệm cũng có mặt trái của nó. Kinh nghiệm thường đi kèm với định kiến và nhà đầu tư sẽ bị "đóng đinh suy nghĩ" với những kiến thức, trải nghiệm có sẵn.
Bạn sẽ không tin trên đời có thiên nga đen vì đã quá quen nhìn thấy thiên nga màu trắng. Khi Tesla tham gia vào thị trường xe hơi, các hãng sản xuất như Toyota, BMW... đều không chú ý nhiều đến công ty non trẻ này. Họ đánh giá thấp những ý tưởng mới lạ của Elon Musk. Bây giờ thì Tesla đã trở thành hãng xe có giá trị cao nhất thế giới.
Bạn hãy cẩn thận với câu nói "Tôi có n năm kinh nghiệm". Đối với nhiều người, sau khi tích lũy được một lượng kiến thức tương đối và thu nhập dư dả thì tự thỏa mãn và không học hỏi thêm gì nhiều nữa. Vì vậy, ông Hugh MacLeod mới có câu: “Nhiều người nói họ có 20 năm kinh nghiệm, trong khi thực tế tất cả những thứ họ có chỉ là 1 năm kinh nghiệm và lặp lại 20 lần”.
Việc lặp đi lặp lại những case-study một cách vô thức qua nhiều năm sẽ "bào mòn" khả năng sáng tạo. Những điều mới lạ, thử thách và không cố định mới là những điều kích thích bộ não bạn phát triển.
Nếu bạn thử nghiệm những điều mới và chỉ quanh quẩn với những cổ phiếu quen thuộc thì tư duy sẽ mắc kẹt và trở thành nạn nhân của những điều đã biết. Bản thân người viết cũng là một nhà đầu tư Fn và cững từng trải qua giai đoạn tự mãn với những kiến thức của mình. Tuy nhiên, việc "thay máu" tư duy, bước ra khỏi “vùng an toàn” là cần thiết để tránh cho bản thân bị tụt hậu.
F0 - Anh là ai?
F0 không chỉ có những người trẻ. Một hiểu lầm vô cùng tai hại là chúng ta vẫn hay nghĩ rằng F0 đều là những người còn rất trẻ.
Tỷ phú Donald Trump từng là một “F0 chính trị” khi ra tranh cử Tổng thống Mỹ. Khi đó, bà Hillary Clinton đã mỉa mai rằng: “Donald Trump tự nhận là có kinh nghiệm đối ngoại vì ông ta từng tổ chức thi Hoa hậu Hoàn vũ ở Nga”. Nhưng cuối cùng ông ấy vẫn trở thành Tổng thống Mỹ một cách ngoạn mục! Tỷ phú Donald Trump có thể lần đầu tiên làm chính trị nhưng ông ta đã có hàng chục năm làm kinh doanh, quản lý điều hành... Rõ ràng, chúng ta không thể nói ông ấy “trẻ người non dạ” được.
Một câu chuyện khác ở Việt Nam sẽ làm rõ hơn. Khi Vingroup thành lập VinFast, rất nhiều người hoài nghi “F0 xe hơi” này với hàng loạt lý do: tâm lý “kỳ thị” hàng nội địa của người Việt Nam, cạnh tranh gay gắt, kích cỡ thị trường không đủ để phát triển... Dù trải qua nhiều khó khăn nhưng cuối cùng VinFast đã trở thành một thế lực đáng gờm trong lĩnh vực xe hơi ở Việt Nam.
Có rất nhiều người làm quản lý trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản cũng lần đầu tham gia đầu tư chứng khoán. Và chúng ta không thể đánh đồng họ với những sinh viên mới ra trường được. Thậm chí, cái nhìn của họ về triển vọng doanh nghiệp, xu hướng cổ phiếu... sắc sảo chẳng kém gì các chuyên viên phân tích lâu năm. Tuy nhiên, họ vẫn được tính vào nhóm F0.
Công nghệ là yếu tố tạo sự bứt phá. Các mô hình định lượng (quantitative model) thường xuyên cho ra những kết quả dự báo với độ chính xác cao. Công nghệ học máy (machine learning) có thể đưa ra các quyết định đầu tư khôn ngoan chẳng kém gì những chuyên gia. Những người trẻ có thế mạnh với những công nghệ mới, kỹ thuật mới và khả năng học hỏi rất nhanh.
Công nghệ đã có những ảnh hưởng to lớn đến lĩnh vực quản lý tài sản (asset management). Công ty BlackRock quản lý hơn 15,000 tỷ USD của khách hàng và là nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới. Larry Fink, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của BlackRock viết trong thư gửi cổ đông rằng: “Không có sức mạnh nào có thể sánh được với công nghệ và tiềm năng của nó”. Trong trường hợp của BlackRock, Fink đã dùng nền tảng công nghệ Aladdin để đưa ra các chiến lược đầu tư và quản trị rủi ro chính xác.
Dĩ nhiên, công nghệ không phải là chiếc chìa khóa vạn năng nhưng nếu không hiểu nó thì bạn sẽ khó sống. Phương pháp đầu tư truyền thống kiểu Benjamin Graham, Warren Buffett… sẽ không chết nhưng xã hội đang thay đổi và thị trường chứng khoán cũng thay đổi. Các nhà đầu tư buộc phải thích nghi với trạng thái “bình thường mới” này.
Larry Fink, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của BlackRock. Nguồn: Forbes |
Kinh nghiệm vẫn có giá trị riêng của nó. Bạn có bao giờ tự hỏi: "Tại sao trong chứng khoán hiếm khi thấy thần đồng?" Thần đồng toán học thấy khá nhiều, thần đồng tin học cũng không ít, thần đồng tiếng anh lại càng nhiều như nấm sau mưa. Tuy nhiên, thần đồng chứng khoán thì hầu như không nghe nói. Đến ngay như John Arnold được coi là trẻ nhất mà cũng phải qua 30 tuổi mới có danh tiếng và thành tỷ phú được. Điều này cho thấy chứng khoán coi trọng kinh nghiệm và sự bình tĩnh trong những đợt biến động mạnh của thị trường.
Một cậu bé 8 tuổi có thể ung dung ngồi giải một bài toán khó trong vài phút, có thể nhàn nhã viết hàng trăm đoạn code trong vài giờ, có thể học hết cả ngàn từ tiếng Anh trong vài ngày… nhưng có khi lại hoảng loạn vì bị bố mẹ cắt tiền tiêu vặt chứ chưa nói là mất hàng tỷ đồng trên thị trường. Đụng đến "cơm áo gạo tiền" thì đừng nói cậu nhóc 8 tuổi, mà đến người 80 tuổi cũng có thể hoảng lên.
Đôi khi, các nhà đầu tư trẻ tuổi và cuồng nhiệt nghĩ mình giống như ngựa hoang chạy trên thảo nguyên nhưng kỳ thực lại mắc kẹt trong cơn điên lướt sóng không định hướng như lũ hamster chạy trong bánh xe. Tự tin vào bản thân là rất tốt nhưng để tồn tại được lâu trên thị trường thì còn phải có sự khiêm tốn và cầu thị nữa.
“Thành công do thời thế” là rất nguy hiểm. Bên cạnh những nhà đầu tư F0 thực sự có năng lực, khả năng phân tích và phòng ngừa rủi ro tốt cũng có không ít nhà đầu tư thành công chủ yếu do “thời thế”. Người viết đã từng chứng kiến một lớp nhà đầu tư tương tự trong giai đoạn năm 2006-2007.
Thành công chỉ đơn giản là do vô tình tham gia thị trường đúng vào chu kỳ tạo đáy và khi đó thì “muốn thua cũng khó” vì hầu hết các mã cổ phiếu trên thị trường đều tăng. Tất cả những người mua đều thắng. Người thất bại là những người không mua được cổ phiếu. Sự thành công này tạo ra những ảo tưởng ghê gớm trong đầu lớp trẻ khi đó (bao gồm cả người viết). Họ bắt đầu tự nghĩ: “Đầu tư và kiếm lời dễ như ăn kẹo mà”. Hầu hết các nhà đầu tư dạng này sau đó đều “chết trận” với sự sụt giảm kinh khủng trong năm 2008. Những người còn sống sót sau thời kỳ đó đều xem đây là bài học nằm lòng cho bản thân về sự khiêm tốn, thận trọng và kỷ luật trong đầu tư.
Hãy đầu tư như một con gián!
Cách sinh tồn của loài gián rất thú vị. Loài gián đã tồn tại trên trái đất từ cách đây hàng trăm triệu năm. Xuất hiện trước cả khủng long và khi khủng long bị tuyệt chủng, gián vẫn sống “phây phây”. Bí quyết là chúng luôn biết “thuận theo thời thế”, khi thuận lợi thì tiến tới, thấy khó khăn thì bỏ chạy ngay. Không cần phải “hổ báo”, gây ấn tượng với ai, bản thân sống tốt là được rồi!
Đầu tư là sự tính toán tranh đấu liên tục không thôi để sinh tồn và phát triển. Nhà đầu tư không cần mạnh mẽ và hùng dũng như sư tử mà cần phải có được sức sống mãnh liệt, khả năng thích ứng siêu phàm như loài gián. Cơ hội chỉ đến với những người sống sót sau cùng!
Kẻ sống sót là kẻ biết thích nghi chứ không hẳn phải là kẻ mạnh hay tài giỏi. Nếu thấy đồng bọn bên mình (phe đánh lên) ít mà bên đối thủ (phe bán xuống) lại quá đông thì phải biết “thuận theo thời thế” mà bỏ chạy cho nhanh, “ẩn mình chờ thời” để sau này còn phản công.
Thuyền trưởng Bluejam từng nói: “Sống sót trên chiến trường chỉ có kẻ mạnh và thằng hèn. Thực tế thì anh hùng luôn luôn chết”. Câu nói này có phần hơi cực đoan, nói quá nhưng nó đáng để ta suy ngẫm một cách nghiêm túc.
Học, học nữa, học mãi. Dù bạn đứng yên thì cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn. Thế giới này sẽ không sụp đổ vì thiếu vắng bạn hay ai đó. Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 không giống với thị trường trong giai đoạn 2010-2015 và lại càng khác với những năm 2007-2008. Bạn không thể khăng khăng giữ mãi những công thức cũ, những phương pháp lỗi thời mà cần phải làm mới chúng để thích nghi với thời kỳ “bình thường mới”. Sự linh hoạt, năng động và biết cách điều chỉnh bản thân mới là quan trọng.
Thay vì chán nản bởi các thất bại trong quá khứ, cay cú với sự thành công của người khác thì chúng ta hãy học hỏi các điểm hay, điểm tốt từ họ và chuẩn bị thật tốt để có thể nắm bắt được những con sóng tiếp theo của thị trường. Học hỏi nhanh hơn, thích nghi tốt hơn với một thái độ cầu thị và khiêm tốn chính là chân lý để thành công!