Dự kiến chào sàn với giá 90,000 đồng/cp, Gỗ An Cường có gì hấp dẫn?

 CTCP Gỗ An Cường (AnCuong, ACG) đang là doanh nghiệp chiếm thị phần nguyên liệu gỗ công nghiệp và vật liệu trang trí lớn nhất trong nước. ACG dự kiến chào sàn UPCoM và cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 năm nay, với giá 90,000 đồng/cp. Đâu là điểm hấp dẫn nhà đầu tư tại doanh nghiệp này?


CTCP Gỗ An Cường (Mã chứng khoán: ACG)


Ông lớn ngành gỗ phân khúc trung và cao cấp


Tại hội thảo trực tuyến “Giới thiệu CTCP Gỗ An Cường và cổ Phiếu ACG” diễn ra ngày 17/06, đại diện doanh nghiệp cho biết, ACG hiện đang chiếm tới 55% thị trường nguyên liệu gỗ công nghiệp và vật liệu trang trí tại Việt Nam (phân khúc thị trường trung và cao cấp). ACG đánh giá dư địa tăng thị phần còn nhiều và hướng đến mục tiêu 70% thị phần trong nước.


Song song đó, ACG còn thường được biết đến với việc sở hữu thương hiệu thiết bị bếp cao cấp Malloca (từ 2004) và hàng nội thất rời Aconcept (từ 2017). Hiện ACG là đơn vị cung cấp tất các các vật liệu gỗ cũng như giải pháp gỗ công nghiệp, phụ kiện nội thất, thiết bị bếp, đồ nội thất rời cho ngành bất động sản.


Một số thương hiệu do An Cường sở hữu


Khách hàng chủ yếu là những nhà thiết kế/nhà thầu dự án cũng như các đơn vị phát triển bất động sản như Vingroup, Novaland, CapitaLand, Keppel Land…, chỉ có khoảng 3% là khách hàng cá nhân. Sản phẩm của công ty được bán tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm các nhà bán lẻ Walmart và Home Depot.


Đối với thị trường quốc tế, Công ty chọn kênh phân phối là hệ thống showroom hàng đầu của các quốc gia như Campuchia, Malaysia, Nhật Bản, Úc, Mỹ, Canada...


Theo ông Trần Lương Thanh Tùng - Thành viên HĐQT ACG, Công ty là nhà cung cấp vật liệu gỗ trang trí hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Mục tiêu sẽ đạt được 70% thị phần cả tấm MFC và tấm laminate tại Việt Nam.


“AGG là một doanh nghiệp có lợi nhuận cao với nhiều con đường phát triển. Lãi ròng các năm gần đây rơi vào mức 500 tỷ đồng. Cho giai đoạn 2020-2025, tỷ suất lợi nhuận EBITDA dự kiến ở mức 2 con số”, ông Tùng cho biết thêm.


Tình hình tài chính có gì đáng chú ý?


ACG hiện có vốn điều lệ 876.5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 3,526 tỷ đồng. Năm 2019, với việc nâng công suất mới từ nhà máy Đất Cuốc, ACG đã quyết định đẩy mạnh công suất sản xuất đồng thời giữ giá cạnh tranh. Điều này dẫn đến tỷ suất lợi nhuận EBITDA giảm nhẹ trong 2019 những được bù đắp bởi thị phần tăng thêm.


Năm 2020, doanh thu của ACG ghi nhận giảm 15% so với 2019. Công ty cho biết nguyên nhân đến từ thị trường bất động sản, không phải vì thị trường đóng băng hay nhu cầu sụt giảm mà do vấn đề về thủ tục pháp lý; bên cạnh đó là tác động của dịch Covid-19. AGC đã kiểm soát các chi phí, tập trung vào sản phẩm có lợi nhuận tốt giúp giữ vững mức lợi nhuận (lãi sau thuế 2020 tăng 1%, đạt 492 tỷ đồng).


Kết quả king doanh của An Cường qua các năm


Con số lãi sau thuế năm 2021 dự kiến đạt 600 tỷ đồng. Công ty kỳ vọng biên lợi nhuận năm nay sẽ cao như giai đoạn 2018. Sau 5 tháng đầu năm, ACG ước tính doanh thu tăng 5% còn lợi nhuận tăng 49% so cùng kỳ. So với kế hoạch cả năm thì Công ty đã thực hiện trên 33%.


Lâu dài hơn, ACG định hướng doanh thu đến 2025 sẽ gấp đôi so với mức đạt được trong 2020, thời điểm Công ty chạy tối đa công suất 2 nhà máy.


Về cổ tức, ACG duy trì chính sách chia cổ tức hàng năm với tỷ lệ từ 30%/vốn điều lệ trở lên. Đây cũng đang là phương án dự kiến cho năm 2021.


Trong cơ cấu doanh thu, mảng bề mặt và giải pháp chiếm 53% doanh thu 2020, đây là nhóm sản phẩm cốt lõi, được sản xuất hoàn toàn trong nhà và sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại. Kế đến là sản phẩm nột thất và giải pháp chiếm 37% cơ cấu. 10% còn lại là nhóm nội thất, thiết bị và phụ kiện.


1 dòng sản phẩm của An Cường


Cơ cấu doanh thu: 57% mảng bề mặt và giải pháp; 37% mảng nội thất và giải pháp chiếm 37%; 10% mảng nội thất, thiết bị và phụ kiện

Về đầu tư, ACG đang nhắm đến 3 dự án gồm: Đầu tư Khu công nghiệp An Cường, chuyển đổi cụm nhà máy Thái Hòa thành khu dân cư cao tầng và xây dựng nhà máy MDF.


Về M&A, trong quý 1/2021, ACG đã đầu tư vào Công ty Địa ốc Thắng Lợi. Trong đó. ACG vừa là cổ đông chiến lược vừa là nhà cung cấp. ACG ưu tiên tự mở rộng hoạt động hơn là thực hiện M&A các đơn vị cùng ngành/lĩnh vực.


Dự kiến chào sàn với giá 90,000 đồng/cp


CTCP Gỗ An Cường đã được Trung tâm Lưu ký chứng khoán cấp mã ACG. Do cơ cấu cổ đông của ACG rất cô đặc, không đủ tiêu chí về freefloat nên không thể niêm yết lên HNX hoặc HOSE vào thời điểm này. Cổ phiếu ACG dự kiến sẽ chào sàn UPCoM vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2021.


Giá chào sàn dự kiến sẽ là 90,000 đồng/cp (đang chờ chấp thuận). Lưu ý rằng mức giá này thấp hơn so giá cổ đông Sumitomo đầu tư vào ACG vào những năm trước.


Đáng chú ý là nhiều cổ đông nội bộ và người liên quan đã có động thái thoái vốn trong thời điểm trước khi cổ phiếu lên sàn. Ông Trần Lương Thanh Tùng - thành viên HĐQT cho biết điều này xuất phát từ nhu cầu tài chính cá nhân. Ở góc nhìn tích cực thì có thể sẽ giúp cổ phiếu ACG có thêm thanh khoản khi đưa vào giao dịch trên sàn UPCoM.



Đăng nhận xét (0)
Mới hơn Cũ hơn