Giá dầu thế giới đang trên đà tăng nhanh, sáng nay 2/6 tiếp tục lập những mức cao mới do triển vọng nhu cầu tăng nhưng OPEC mắc kẹt về mức sản lượng.
Gia dầu liên tục tăng |
Theo đó, ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 32 US cent (0,5%) so với đóng cửa phiên hôm qua, từ mức 67,72 USD/thùng lúc đóng cửa ngày 1/6 lên 68,05 USD/thùng lúc gần 10h sáng nay, trước đó có thời điểm đạt 68,87 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2018. Dầu Brent sáng nay cũng tăng 37 US cent, từ mức 70,25 USD kết thúc phiên 1/6 lên 70,62 USD/thùng, có thời điểm đạt 71,34 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 8/2020.
Xu hướng giá dầu tăng diễn ra trong bối cảnh OPEC và các đồng minh đang mắc kẹt trong kế hoạch bình thường hóa trở lại sản lượng dầu trong tháng 6 và 7 một cách thận trọng, trong khi nhu cầu nhiên liệu dự báo sẽ hồi phục mạnh mẽ trong kỳ nghỉ Hè ở Mỹ.
Sự mắc kẹt của OPEC+ xuất phát từ việc nhu cầu xăng dầu thực tế đang tăng, nhưng việc nhu cầu xăng và dầu diesel ngày càng tăng nhanh ở Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu, đã đẩy giá lên trên ngưỡng 70 USD/thùng, nhưng điều này lại trở thành tâm điểm của một làn sóng tranh luận mới, cấp bách nhất trên thị trường: Mối đe dọa của lạm phát.
Warren Patterson, người phụ trách mảng chiến lược hàng hóa của ING Group ở Singapore, cho biết: "Xu hướng chung rõ ràng đang hậu thuẫn giá dầu tăng, khi nhu cầu đến cuối 2021 dự kiến sẽ ở mức tương đương khoảng 98% nhu cầu trước khi đại dịch Covid-19".
OPEC và các đồng minh đã dành hơn một năm để cứu giá dầu khỏi mức thấp lịch sử và chỉ thận trọng bổ sung nguồn cung. Giờ đây, câu chuyện đang chuyển hướng: Thị trường dầu mỏ đang thiếu hụt.
Dự trữ dầu sẽ giảm nhanh trong nửa cuối năm nay |
Động thái kiềm chế sản lượng của OPEC+ đã kích hoạt giá dầu tăng kể từ sau đó. Riêng trong năm nay, giá dầu đã tăng hơn 30%.
Để thị trường phát triển quá nóng có nguy cơ làm suy yếu sự phục hồi. Nhưng nhóm này cũng phải quản lý rủi ro kép xuất phát từ khả năng Iran có thể sẽ quay trở lại xuất khẩu dầu.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi là OPEC +) hôm 1/6 đã nhất trí giữ nguyên kế hoạch giảm dần việc hạn chế nguồn cung từ nay đến tháng 7.
Sau cuộc họp, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nói rằng ông thấy nhu cầu dầu mỏ ở Mỹ và Trung Quốc – 2 nước tiêu thụ nhiều dầu nhất thế giới - đang hồi phục vững chắc, đồng thời nói rằng tốc độ tiêm vaccine có thể "dẫn tới sự tái cân bằng cho thị trường dầu mỏ". Nhận định này của ông đã tác động tích cực lên thị trường dầu, khi các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng nhu cầu đang tăng nhanh.
Các nhà phân tích của ING Economics cho biết: "Thị trường có vẻ tập trung vào triển vọng tích cực hơn khi càng gần về thời điểm cuối năm nay, với việc OPEC + cho rằng thị trường sẽ chứng kiến sự sụt giảm đáng kể lượng dự trữ dầu thô trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến cuối năm".
Các bộ trưởng OPEC + hôm qua đã nhất trí nâng sản lượng của nhóm thêm 841.000 thùng/ngày trong tháng 7, sau khi tăng trong tháng 5 và 6. Tuy nhiên, nhóm không đưa ra bất kỳ gợi ý nào về kế hoạch nguồn cung trong tương lai xa hơn. Trên thực tế, nhóm có thể đàm phán lại thỏa thuận về cắt giảm hoặc nâng dần sản lượng, nhưng điều đó chỉ nên diễn ra khi nhu cầu hồi phục, trong khi thực trạng thị trường hiện còn nhiều yếu tố rủi ro, và nhóm muốn có phương án dự phòng.
Theo tính toán của ING dựa trên kế hoạch của OPEC +, đã bao gồm cả việc Saudi Arabia sẽ giảm dần lượng dầu cắt giảm, thì nhóm OPEC+ sẽ tăng sản xuất thêm 700.000 thùng/ngày trong tháng 6 này.
Kế hoạch cung - cầu dầu của OPEC+ |
OPEC có lý do để thận trọng về triển vọng nhu cầu dầu trong nửa cuối năm nay, vì điều đó phụ thuộc vào hai yếu tố khó dự đoán: Dịch Covid-19 và các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và Mỹ.
Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết: "Covid-19 là một kẻ thù dai dẳng và không thể đoán trước, với việc virus Corona chủng mới không ngừng biến thể, khiến thị trường luôn sẵn sàng tồn tại những rủi ro đột ngột".
Ngoài ra, nếu một thỏa thuận với Iran được ký kết và Washington nới lỏng các lệnh trừng phạt, nguồn cung dầu từ Iran sẽ tăng lên. Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo dự báo Iran có thể thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu từ 1,0 đến 1,5 triệu thùng/ngày nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự báo rằng Iran có thể tăng sản lượng dầu thô lên 2,4 triệu thùng/ngày ngày sau đó, và tăng tiếp lên 4 triệu thùng/ngày trong năm tới.
Ông Fatih Birol, giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, khi trả lời phỏng vấn của Bloomberg Television đã cho biết Liên minh OPEC+ có thể đã bắt đầu thấy áp lực từ bên ngoài về việc cần chặn bớt đà tăng giá dầu, khi mà tình trạng thiếu cung đã trở nên rõ ràng hơn kể từ tháng tới. Nếu không tăng cung thì giá dầu sẽ chịu áp lực tăng thêm nữa.
Việc triển khai vaccine được tiến hành trên khắp thế giới, đến nay đã có khoảng 1,8 tỷ liều được tiêm.
"Một điều rõ ràng là trong trường hợp không thay đổi các chính sách, với sự tăng trưởng mạnh mẽ đến từ Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu, chúng ta sẽ thấy khoảng cách giữa cung và cầu ngày càng gia tăng", ông Birol nói.
OPEC + đến thời điểm hiện tại vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng 6 triệu thùng/ngày trong năm năm 2021 - tương đương 6% tiêu thụ toàn cầu - khi thế giới phục hồi sau đại dịch Covid-19.
OPEC + đã cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày vào năm ngoái do nhu cầu sụt giảm khi đại dịch Covid-19 xảy ra lần đầu tiên.