Margin là gì? Khi nào Nhà đầu tư cần dùng đến margin

 Margin hay giao dịch ký quỹ là một thuật ngữ trong đầu tư chứng khoán đề cập đến việc nhà đầu tư có thể sử dụng khoản vay từ công ty CTCK và thế chấp khoản vay bằng chính cổ phiếu mà nhà đầu tư đã mua.



Giao dịch ký quỹ là một đòn bẩy tài chính giúp nhà đầu tư tối đa hóa cơ hội và gia tăng lợi nhuận lên gấp bội so với việc chỉ sử dụng vốn tự có. 

Nhà đầu tư được vay bao nhiêu tiền? Tỉ lệ đòn bẩy là bao nhiêu?

 
Số tiền NĐT đựợc vay tuỳ thuộc vào cổ phiếu NĐT đang nắm giữ, vào từng thời điểm, vào từng CTCK Tỷ lệ đòn bẩy do đó cũng khác nhau.

Ví dụ nếu NĐT đang có tài sản là 100 triệu (cả cổ phiếu và tiền), CTCK cho phép NĐT mua đến 150 triệu, như vậy tỉ lệ đòn bẩy là 1:1.5. Nếu CTCK cho phép NĐT mua đến 200 triệu, thì tỉ lệ đòn bẩy là 1:2 và nếu CTCK cho phép NĐT mua đến 300 triệu, như vậy NĐT có được tỉ lệ đòn bẩy là 1:3.

Với những cổ phiếu tốt nhất trên thị trường hiện giờ thì Ủy ban chứng khoán nhà nước cũng chỉ cho phép CTCK cho NĐT vay với tỉ lệ 50%, tức là NĐT có thể sử dụng tỉ lệ đòn bảy tối đa là 1:2. Tuy nhiên, một số CTCK có thể lách luật cho phép NĐT sử dụng tỉ lệ đòn bảy cao hơn lên đến 1:3, thậm chí 1:4 khi NĐT mua những cổ phiếu tốt mà CTCK có thể kiểm soát được rủi ro.

Thị trường ảnh hưởng như thế nào khi dùng margin?


Thị trường đang ở xu hướng tăng: Nếu nhà đầu tư đang dùng margin mà cổ phiếu tăng giá thì nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận nhiều hơn, đồng thời giá trị tài sản ròng tăng lên. Nhà đầu tư có thể tiếp tục được mua thêm cổ phiếu để gia tăng lợi nhuận nhanh hơn.

Khi cổ phiếu giảm giá: Nếu nhà đầu tư đang sử dung margin mà cổ phiếu giảm giá thì lúc này giá trị tài sản ròng sẽ giảm tương ứng với tỉ lệ đòn bảy mà nhà đầu tư đang sử dụng. Ví dụ, nếu nhà đầu tư dung tỉ lệ đòn bảy 1:2 thì sẽ lỗ gấp 2 lần bình thường, dùng tỉ lệ đòn bảy 1:3 thì sẽ lỗ gấp 3 lần bình thường.

Khi giá trị tài sản ròng bị giảm, CTCK sẽ yêu cầu nhà đầu tư thực hiện việc bổ sung thêm tài sản đảm bảo là tiền hoặc cổ phiếu chuyển từ CTCK khác về. Nếu nhà đầu tư không bổ sung thêm tài sản đảm bảo thì sẽ phải bán bớt cổ phiếu ra để giảm tiền vay, đưa tỉ lệ đòn bảy về đúng quy định của CTCK. Đây cũng chính là khái niệm Margin Call mà nhà đầu tư sẽ phải đối mặt khi đầu tư chứng khoán mà sử dung margin.

Công thức tính:


Giá trị chứng khoán ký quỹ bổ sung = (Tỷ lệ ký quỹ – Tỷ lệ ký quỹ duy trì ) / (1 – Tỷ lệ ký quỹ duy trì) x Tổng giá trị tài sản trên tài khoản giao dịch ký quỹ tính theo giá thị trường.

Hoặc:

Số tiền ký quỹ bổ sung= (Tỷ lệ ký quỹ – Tỷ lệ ký quỹ duy trì) x Tổng giá trị tài sản trên tài khoản giao dịch ký quỹ tính theo giá thị trường.

Trong thực tế, khi ngưỡng margin call xảy ra, CTCK có thể bắt đầu bán bất kỳ chứng khoán nào trong danh mục đầu tư của bạn mà không bắt buộc phải hỏi ý kiến của bạn trước.

Hiện nay, lãi suất cho vay ký quỹ của các CTCK giao động từ 11%-14%, như vậy nếu tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư của nhà đầu tư không lớn hơn tỷ lệ lãi suất vay ký quỹ của các CTCK thì nhà đầu tư coi như bị thua lỗ. Mặt khác, tỷ lệ lãi suất này cũng chiếm một phần lớn trong lợi nhuận của nhà đầu tư nếu họ đầu tư có lời, vì vậy,  cách sử dụng hiệu quả đòn bẩy tài chính là khi trừ đi các chi phí lãi vay ký quỹ, nhà đầu tư vẫn có lợi nhuận và chỉ dùng khi thị trường rõ xu hướng và có chiến lược rõ ràng. Đối với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường, cách tốt nhất là hạn chế dùng margin trong mỗi lần giao dịch, khi “tồn tại” ở thị trường được từ 3-5 năm thì mới nên sử dụng với tỷ lệ nhỏ và phải có chiến lược quản lý vốn hợp lý trước khi vào lệnh.

Những rủi ro khi dùng Margin / Giao dịch ký quỹ là gì?


"Bản chất của giao dịch ký quỹ hay Margin là phóng đại kết quả lời và lỗ"

Do đó NĐT cần chú ý đến những rủi ro sau đây:

1. Chi phí vay Margin:

Chi phí vay tiền của các công ty chứng khoán thường 12 -14%. Thường sẽ lớn hơn lãi ngân hàng 5%-8%. Do đó bạn phải có lợi nhuận cao hơn so với mức này thì bạn mới có lãi.

Chi phí cho vay Margin là phần kiếm cơm khá lớn ở các công ty chứng khoán, nó cũng chính bằng phí tổn Margin của bạn khi sử dụng dịch vụ ký quỹ. Tổng kết 5 công ty chứng khoán thị phần đứng đầu (chiếm 50%) năm 2017, thì phần lãi vay Margin khoảng 1.800 tỷ. Nếu ta ước lượng  tuyến tính: lãi vay Margin 2017 Nhà đầu tư đã trả là 3.600 tỷ đồng = 160 triệu USD

2. Rủi ro về giá cổ phiếu:

Khi cổ phiếu tăng bạn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, tuy nhiên khi giá cổ phiếu giảm bạn cũng sẽ bị giảm nhiều hơn. Cách sử dụng Margin là cả phần khoa học và nghệ thuật. Ví dụ bạn lỗ 40% do cổ phiếu giảm 20% và bạn chơi ký quỹ tỷ lệ 1:2. Khi đó mức hòa vốn của bạn cần lời 66% (Khi đó bạn cần tăng thì cổ phiếu phải tăng 33%, tỷ lệ giao dịch ký quỹ là 1:2). Trong khi bạn không dùng Margin thì chỉ cần tăng 25% thôi.

3. Bị động trong giao dịch:

Margin call: Khi cổ phiếu giảm giá đến mức nào đó, CTCK sẽ  margin call bạn, yêu cầu bạn nộp tiền thêm vào hoặc họ sẽ bán cổ phiếu ra và thu tiền cho vay + lãi về.

Giảm tỷ lệ cho vay Margin bất ngờ, trước tỷ lệ 1:2 giờ còn 1:1.5, bạn có 1 tỷ bạn có thể đầu tư 2 tỷ nhưng giờ bạn chỉ có thể đầu tư 1,5 tỷ, bắt buộc bán 500 triệu; với việc giảm tỷ lệ ký quỹ bạn và nhà đầu tư khác sẽ phải bán cổ phiếu ra khiến giá cổ phiếu giảm đồng loạt và gây thiệt hại kép cho bạn.

4. Rủi ro về mặt chủ quan bản thân nhà đầu tư:

Nhà đầu tư cá nhân Việt Nam không hiểu về tỷ lệ đòn bẩy tối ưu, đa phần họ sử dụng đòn bẩy cao cho những cổ phiếu mang tính rủi ro cao, họ đã chuyển qua dạng: “Rủi ro cao – Lợi nhuận thấp”. Do đó, nếu thị trường trải qua đợt giảm thì máu chảy thành sông, thương tích đầy mình.

Kiến thức lựa chọn cổ phiếu còn yếu kém. Sử dụng Margin đối với họ giống đứa bé nghịch súng có đạn vậy, họ có thể may mắn 2, 3 lần nhưng rồi họ sẽ tự làm hại chính bản thân mình.

5. Rủi ro sử dụng margin trong quản lý quỹ.

Nhiều NĐT cá nhân ủy thác vào các quỹ nhằm tận dụng kiến thức năng lực của nhà quản lý quỹ và ủy thác để tối ưu hóa lợi nhuận. Điều này là xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, xét về mặt rủi ro: Nhà Quản lý quỹ thường không bao giờ chịu rủi ro thua lỗ, nên nhiều người ủy thác sẽ thoải mái xài margin và mua 1-3 mã với lý do dễ tìm cổ phiếu, cổ phiếu tốt nhất, tối ưu lợi nhuận… Càng rủi ro thì trong 1 năm họ càng được phần thưởng lớn nhưng phần rủi ro họ lại bắt cổ đông chịu. Nên nếu bạn ủy thác cho ai đó, bạn chỉ nên quan tâm đến những người phong cách rủi ro thấp, hoặc vừa phải, và không sử dụng đòn bẩy.

Vậy khi nào Nên/Không nên sử dụng margin?


Việc dùng margin cũng như sử dụng một con dao hai lưỡi, mà dao hai lưỡi thì chỉ nên dành cho những người thật sự kinh nghiệm. Vì vậy margin chỉ hiệu quả cho những nhà đầu tư lâu năm, sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Một cách vắn tắt thì: 

  • Chỉ nên sử dụng margin khi bạn là một người có kinh nghiệm lâu năm. Nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm thì không nên sử dụng.
  • Chỉ sử dụng margin khi thị trường có dấu hiệu tăng trưởng rõ ràng. Thị trường ở giai đoạn lình xình cũng không nên sử dụng margin.
  • Chỉ nên sử dung margin trong các giao dịch ngắn hạn. Nếu đầu tư lâu dài thì margin không phải một lựa chọn khôn ngoan.
  • Chỉ nên dùng margin khi đầu tư vào các cổ phiếu có tính thanh khoản tốt như Cổ phiếu cơ bản, cổ phiếu Bluechip. Với các cổ phiếu có lợi nhuận quá thấp thì không nên dùng margin

Margin có thể giúp nhà đầu tư gia tăng lợi nhuận một cách nhanh chóng khi cổ phiếu tăng giá nhưng cũng làm cho tài sản của họ “bốc hơi” một cách nhanh chóng khi cổ phiếu giảm giá. Do đó, nhà đầu tư khi lựa chọn công cụ này cần tính toán kỹ về thời điểm sử dụng cũng như phân tích chi tiết để lựa chọn được cổ phiếu tiềm năng nhất.

1 số văn bản quy định về giao dịch Margin của công ty chứng khoán Phú Hưng


QUY ĐỊNH SỬ DỤNG DỊCH VỤ KÝ QUỸ



HƯỚNG DẪN GIAO DỊCH KÝ QUỸ TRỰC TUYẾN



DANH SÁCH CHỨNG KHOÁN ĐƯỢC PHÉP GIAO DỊCH KÝ QUỸ




Đăng nhận xét (0)
Mới hơn Cũ hơn