Vì sao HSBC nói "Không" với Bitcoin?

 Ngân hàng HSBC đã tuyên bố không quảng bá, khuyến khích tiền điện tử như một loại tài sản trong hoạt động kinh doanh và quản lý tài sản của mình, tương tự với cả các stablecoin.


Quan điểm cứng rắn của HSBC


Các tổ chức ngân hàng của Anh đã tuân thủ những chính sách nghiêm ngặt đối với thị trường tiền điện tử trong những năm gần đây. Là một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới, HSBC cũng sẽ không cho phép khách hàng chuyển tiền sang các sàn giao dịch tiền ảo và tiền từ các sàn giao dịch này chuyển vào sẽ bị ngăn chặn.

Giám đốc điều hành Noel Quinn của HSBC nhấn mạnh, HSBC không có kế hoạch khai trương bất cứ hoạt động giao dịch tiền điện tử hoặc cung cấp tiền ảo như một khoản đầu tư cho khách hàng nào, vì chúng quá dễ bay hơi và thiếu minh bạch.

Lập trường về tiền điện tử của ngân hàng có trụ sở chính tại London được đưa ra khi Bitcoin (BTC) đã giảm gần 50% so với mức cao nhất trong năm nay. Điều này cũng đánh dấu một bước đi ngược chiều so với các đối thủ như Goldman Sachs - ngân hàng đã khởi động hoạt động giao dịch tiền điện tử của mình hồi tháng 3, cùng một số tổ chức khác đang nghiên cứu cách cung cấp tiền điện tử như một sản phẩm đầu tư.

"Với sự biến động thất thường, chúng tôi không coi Bitcoin như một loại tài sản. Tất nhiên là có nhiều khách hàng muốn điều đó, nhưng chúng tôi không quảng bá, khuyến khích nó như một loại tài sản trong hoạt động kinh doanh và quản lý tài sản của mình. Vì những lý do tương tự, chúng tôi cũng không đổ xô vào stablecoin", Quinn nhấn mạnh.

Theo vị giám đốc điều hành của HSBC đề cập, ngay chính các loại stablecoin khác như Tether (USDT) cũng đã tìm cách né tránh sự biến động liên quan đến Bitcoin, bằng cách gắn giá trị của chúng với các tài sản như đô la Mỹ.

Hiện nay, Bitcoin đang được giao dịch quanh mức 34.000 - 36.000 USD/BTC, mức giá đã giảm gần 50% chỉ trong 45 ngày so với mức cao nhất trong năm là 64.895 USD vào ngày 14/4. Cú giảm sốc không chỉ của Bitcoin mà của toàn bộ thị trường tiền điện tử đã củng cố thêm nhận định về sự "dễ tổn thương" của thị trường này, đồng thời, cho thấy đây là thị trường thiếu chế tài cụ thể để kiểm soát và tạo dụng niềm tin lâu dài cho các nhà đầu tư.

Vào hồi tháng 4, thời điểm Bitcoin còn chưa lao dốc, HSBC đã "cấm" khách hàng trong nền tảng giao dịch cổ phiếu trực tuyến của mình mua cổ phiếu của MicroStrategy được hỗ trợ bằng Bitcoin. Họ đã xác lập một thông điệp truyền đi rằng: HSBC sẽ không tạo điều kiện cho việc mua hoặc trao đổi các sản phẩm liên quan đến tiền ảo.

Động thái này của ngân hàng đã diễn ra trong bối cảnh các công ty tài chính lớn, giới doanh nghiệp và nhà đầu tư ráo riết tìm kiếm nguồn lợi nhuận trên nhiều kênh trong đó có thị trường tiền ảo, với xúc tác của môi trường lãi suất cực thấp trên toàn cầu.
Một thông báo từ HSBC do khách hàng đăng tải trên Twitter của mình
Một khách hàng của HSBC đã chia sẻ thông báo từ ngân hàng như sau: HIDC (HSBC Invest Direct) sẽ không tham gia vào việc tạo điều kiện mua/ bán/ trao đổi các sản phẩm tham chiếu đến hoạt động của tiền ảo. Cụ thể: "Hồ sơ của chúng tôi cho thấy rằng tài khoản HIDC của bạn đang nắm giữ Microstrategy Inc-A - MSTR-US, một sản phẩm tiền ảo. Mặc dù chúng tôi sẽ cho phép nắm giữ MSTR-US và bán hoặc chuyển nhượng trong tài khoản của bạn, nhưng các giao dịch mua hoặc chuyển khoản mới sẽ không được phép".

Ủng hộ tiền kỹ thuật số quốc gia


Quyết liệt giữ quan điểm nói không giao dịch tiền điện tử, Giám đốc điều hành HSBC mặt khác phát biểu, ông tin tưởng vào tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) mà một số quốc gia bao gồm Hoa Kỳ và Trung Quốc đang phát triển. "Các CBDC có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch quốc tế trong ví điện tử đơn giản hơn, giảm bớt chi phí giao dịch. Bên cạnh đó là khả năng hoạt động một cách minh bạch và có các thuộc tính giá trị lưu trữ mạnh mẽ".

HSBC tin tưởng vào tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC), mà một số quốc gia bao gồm Hoa Kỳ và Trung Quốc đang phát triển

Để ủng hộ cho các dự án tiền kỹ thuật số quốc gia, HSBC đã tiến hành trao đổi với một số Chính phủ về các sáng kiến CBDC của họ, bao gồm các nước như Anh, Trung Quốc, Canada và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Trong đó, dự án CBDC của Trung Quốc được coi tiên tiến nhất trong số các nền kinh tế lớn trên toàn cầu. Những cuộc thử nghiệm trên nhiều thành phố liên quan đến các ngân hàng quốc doanh đã bắt đầu vào năm ngoái, cùng với một dự án thí điểm cho việc sử dụng xuyên biên giới đang được tiến hành ở Hồng Kông.

"Trung Quốc cũng góp mặt vào một dự án riêng khám phá các CBDC để thanh toán xuyên biên giới mà HSBC đã tham gia. Song song với việc Chính phủ nước này thúc đẩy các đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương, thì họ cũng đồng thời tăng cường nỗ lực để hạn chế việc sử dụng tiền điện tử. Chính điều này đã khiến Trung Quốc trở thành trung tâm trong chiến lược tăng trưởng của HSBC", đại diện ngân hàng chia sẻ.

Vị giám đốc điều hành của ngân hàng này giải thích rõ ràng về sự hoài nghi của mình đối với tiền điện tử, một phần xuất phát từ khó khăn trong việc đánh giá tính minh bạch của những người sở hữu chúng, bên cạnh các vấn đề về khả năng chuyển đổi thành tiền fiat, đã dẫn đến những chủ trương trên của HSBC.

Có thể thấy, sự phổ biến tăng vọt của tiền điện tử đã đặt ra một vấn đề đối với các ngân hàng chính thống trong thời gian gần đây, khi họ cố gắng cân bằng giữa việc phục vụ lợi ích của khách hàng với các nghĩa vụ quy định của riêng của từng định chế tài chính. Và không phải lựa chọn nào của các ngân hàng cũng giống nhau.

Đăng nhận xét (0)
Mới hơn Cũ hơn