Hiện nay, lứa tuổi mua bảo hiểm tại Việt Nam đang dần được trẻ hóa, khi nhiều người trẻ đã bắt đầu suy nghĩ và tính toán đến chuyện mua bảo hiểm cho bản thân và gia đình.
Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ của các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật đều đạt 90%, Singapore: 80%, Malaysia: 50%. Trong khi đó, số liệu từ Bộ Tài chính cho biết đến năm 2020 chỉ mới khoảng 10% người Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Chị Phương Mai sinh năm 1998, đã tốt nghiệp và đi làm được hơn 1 năm. Hiện tại, mức lương của chị dao động trong khoảng 8-10 triệu đồng/tháng. Phương Mai đang ấp ủ ý định mua bảo hiểm cho bản thân và cả bố mẹ.
"Gia đình tôi có 2 chị em gái, tôi là con cả và còn một em gái học lớp 12. Hiện tôi đang tính toán mua bảo hiểm cho bản thân và bố mẹ sắp nghỉ hưu, vừa bảo vệ cho bản thân và gia đình, vừa như một khoản báo hiếu cho bố mẹ.
Nhưng tôi chưa biết chọn loại bảo hiểm gì, nên đóng mức phí bao nhiêu để vừa nhận được những quyền lợi cần thiết, vừa không phải gánh chịu áp lực tài chính quá lớn. Tôi vẫn cần chi trả tiền nhà, ăn uống sinh hoạt và muốn bỏ ra một chút để đầu tư", chị Phương Mai chia sẻ.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia Phan Lê Thanh Toàn - người đã có 20 năm làm trong ngành bảo hiểm, kiêm qua rất nhiều vị trí quản lý tại Prudential Việt Nam, AIA Exchange Nha Trang, Chubb Limited Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam, cho rằng trước tiên, người mua bảo hiểm cần hiểu rõ mục đích của bản thân cũng như chức năng của từng loại bảo hiểm.
chuyên gia Phan Lê Thanh Toàn |
Có thể chia các bảo hiểm thương mại hiện có trên thị trường hiện nay thành 3 loại cơ bản sau:
* Bảo hiểm nhân thọ: Bảo hiểm nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết. Bảo hiểm nhân thọ có 7 loại hình bảo hiểm sau:
- Bảo hiểm sinh kỳ: Người tham gia bảo hiểm sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm nếu như còn sống đến thời hạn được thỏa thuận trong hợp đồng.
- Bảo hiểm tử kỳ: Người tham gia bảo hiểm sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm nếu như chết trong thời hạn được thỏa thuận trong hợp đồng.
- Bảo hiểm hỗn hợp: loại hình bảo hiểm kết hợp bảo hiểm sinh kỳ và bảo hiểm tử kỳ.
- Bảo hiểm trọn đời: là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người tham gia chẳng may qua đời vào bất kỳ thời điểm nào trong cuộc sống.
- Bảo hiểm trả tiền định kỳ: là loại hình bảo hiểm cho cuộc sống của người được bảo hiểm, nếu sống đến thời hạn nhất định thì được bên bảo hiểm trả tiền theo các kỳ hạn thỏa thuận
- Bảo hiểm hưu trí: là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người tham gia đạt đến độ tuổi xác định được doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận.
- Bảo hiểm liên kết chung: là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mà phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm được tách bạch giữa phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư. Bên mua bảo hiểm được linh hoạt trong việc xác định phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm
- Bảo hiểm liên kết đầu tư: cũng có phí tách bạch như bảo hiểm liên kết chung, cần chấp nhận 1 tỷ lệ rủi ro nhất định để được đầu tư sinh lợi nhuận cao hơn và là loại hình bảo hiểm nhân thọ kết hợp cả 2 yếu tố là bảo vệ rủi ro và đầu tư sinh lời.
* Bảo hiểm sức khỏe: Bảo hiểm sức khỏe là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người tham gia bị thương tật, tai nạn, ốm đau, bệnh tật hoặc chăm sóc sức khỏe được doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.
* Bảo hiểm phi nhân thọ: Bảo hiểm phi nhân thọ là loại hình bảo hiểm tài sản, trách nhiệm dân sự và các nghiệp vụ bảo hiểm khác không thuộc bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ cũng cung cấp sản phẩm chăm sóc sức khoẻ như nhân thọ.
Đồng thời, ông Phan Lê Thanh Toàn lưu ý chị Phương Mai cũng như những người đang có ý định mua bảo hiểm, cần cân đối tỷ lệ các loại phí cho phù hợp, phụ thuộc vào các yếu tố:
- Tính chất công việc: Mức độ nguy hiểm, rủi ro trong công việc. Ví dụ người hay đi xe gắn máy đi làm hay trong sinh hoạt, tài xế xe công nghệ, xe taxi phải tham gia giao thông thường xuyên thì nên cân nhắc mua sản phẩm phụ về bảo hiểm thương tật, gãy tay, gãy chân,...
- Các yếu tố di truyền về sức khỏe: Nếu người thân trong gia đình có tiền sử các bệnh như ung thư, bệnh di truyền,... thì cần mua bảo hiểm cho các vấn đề này càng sớm càng tốt và có lợi
- Tài chính cá nhân: Khoản phí bảo hiểm đóng mỗi tháng không nên chiếm qua 20% thu nhập của cá nhân, thông thường là 15%.
"Điều này đặc biệt quan trọng với người trẻ, khi thu nhập chưa thực sự ổn định, chưa có khoản tích lũy đủ nhiều. Ban đầu, các bạn chỉ nên chi 10-15% thu nhập vì người trẻ đối mặt với ít rủi ro hơn, đồng thời tránh gánh nặng tài chính. Bên cạnh đó, người trẻ cũng không nên quá đặt nặng việc đóng nhiều tiền bảo hiểm, thay vào đó nên cân đối cho các khoản đầu tư sinh lời, tạo ra thu nhập. Sau vài năm, khi thu nhập tăng, các bạn có gia đình thì vẫn hoàn toàn có thể tăng khoản phí đóng để được bảo vệ nhiều hơn".
Bên cạnh đó, trong gia đình, nên mua bảo hiểm bảo vệ cho người tạo ra thu nhập trước. Những bạn trẻ muốn mua cả bảo hiểm cho bố mẹ thì có thể đề xuất cùng chia sẻ khoản phí trong những năm đầu.