Tham làm giàu từ bất động sản, tôi chìm ngập trong nợ nần

 Thu nhập giảm sút, khoản lãi ngân hàng treo lơ lửng, ngôi nhà 4 tầng trong ngõ hẻm đã rao bán 3 tháng chưa có người mua, tất cả càng khiến tôi vỡ mộng về giấc mơ làm giàu từ bất động sản.



"Liều ăn nhiều", với nhà đầu tư sành sỏi, quan điểm đó có phần ngớ ngẩn vì muốn kinh doanh đất có lãi, buộc phải có kiến thức và sự tính toán cẩn trọng. Nhưng với những người mới tập bước chân vào đầu tư bất động sản như tôi, đó lại trở thành một chân lý. Bởi nếu không liều thì sẽ không biết có thể kiếm lời được từ bất động sản. Và nếu không liều, rất khó tạo ra động lực làm việc, trả nợ.


Tháng 9/2020, khi Covid-19 tạm xuống, tôi đã nghĩ phải thử liều một phen xem khả năng bén duyên của mình với bất động sản thế nào? Thế là tôi, một người không có chút kinh nghiệm, không quá dư dả tiền nhưng "máu liều" luôn sẵn, đã tìm một lô đất ở Chương Mỹ (Hà Nội) thông qua môi giới. Quả thực, chỉ nghe môi giới cam kết mảnh đất này chắc chắn có lãi vì vuông vắn, nằm ở vị trí đẹp, mức giá tiền hợp lý với 400 triệu đồng, tôi đã mạnh dạn đi vay ngân hàng để "thử" đầu tư. Lúc đó, vì tin lời môi giới nên tôi còn không đến tận nơi xem mảnh đất đó ra sao.


Thật may mắn, đúng hơn 2 tuần sau kể từ sang tên sổ đỏ, đã có khách chốt mảnh đất với mức giá 460 triệu đồng. Nếu tính trong vòng 2 tuần, lãi 60 triệu đồng, tức là tỷ suất sinh lời tới 15% trong vòng nửa tháng. Tôi đã thấy pha lướt sóng lần đầu của mình rất thuận buồm xuôi gió.


"Thừa thắng xông lên", nghĩ mình có khả năng làm giàu từ bất động sản, tôi suy tính đến câu chuyện bán nhà chung cư, để lấy tiền mua nhà đất như rất nhiều nhà đầu tư khác: Muốn giàu phải buôn đất.


Chưa kể, không ít người bạn đầu tư bất động sản quanh tôi đều chung nhận định, chung cư không phải là tài sản sinh lời, chỉ có đất mới "sinh vàng". Vậy là tôi bàn với chồng, cả hai cùng nhất trí bán căn chung cư đi để mua nhà đất. Chúng tôi dự tính bán căn chung cư được 1.1 tỷ đồng. Nếu mua một căn nhà đất 1.7 tỷ đồng, như vậy, số tiền mà chúng tôi vay tương đương 600 triệu đồng. Với lãi suất 10,5% mỗi năm, trung bình mỗi tháng chúng tôi chỉ trả cả gốc lẫn lãi khoảng 7-9 triệu đồng. Sau 5 năm, chắc chắn căn nhà đất của tôi sẽ có giá trị tốt hơn so với căn chung cư hiện tại, có thể sinh lời từ 300-500 triệu đồng.


Để bán chung cư nhanh chóng, chúng tôi liên hệ với 2 đơn vị môi giới. Vì đây cũng là lần đầu tiên mua bán nhà chung cư, thủ tục chưa rành nên quan điểm thuê môi giới dù tốn chi phí nhưng hiệu quả công việc rất nhanh. Về phía tìm căn nhà đất, chúng tôi xác định liên hệ với tất cả môi giới khu vực mà mình đang muốn tìm kiếm nhà.


Để mua một căn nhà đất trị giá 1,7 tỷ đồng ở vùng ven Hà Nội không phải là điều dễ dàng.


Tuy nhiên, để tìm kiếm căn nhà tử tế với mức giá 1,7 tỷ đồng là điều không hề dễ dàng dù Hoài Đức, hay Yên Nghĩa (Hà Đông) là vùng ven Hà Nội. Giá nhà đất đã bị môi giới đẩy lên trong vòng 1 năm trở lại đây. "Lục" tung cả khu vực Hoài Đức, ven Hà Đông, cuối cùng chúng tôi hài lòng một căn nhà 4 tầng rộng rãi, ngõ 3 mét và chỉ cách đường ô tô 40m. Ngôi nhà này cách chợ 600m và trường học 1km. 


Phân tích của chúng tôi lúc đấy cho rằng, căn nhà này rộng rãi, thoáng, nằm ở vị trí đẹp. Với lợi thế như vậy, căn nhà này chắc chắn sẽ tăng giá trong tương lai 2-5 năm. Nhưng điều đáng lo ngại là mức giá của căn nhà này lên tới 2,5 tỷ đồng. Nếu mua căn nhà này, chúng tôi sẽ phải vay hơn gấp đôi số tiền dự tính ban đầu.


Sau khoảng thời gian ngắn đắn đo, cộng thêm áp lực căn nhà chung cũ đã có khách cọc tiền, chúng tôi buộc phải đưa ra quyết định sớm về việc có nên mua căn nhà 2,5 tỷ đồng. Sau một hồi truy xét, tôi xác định vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng và bạn bè 200 triệu đồng. Như vậy, chúng tôi chỉ phải lo trả lãi trước cho 1,2 tỷ đồng, tức khoảng 15 triệu đồng/tháng.


Trường hợp nếu công việc thuận lợi như ở thời điểm mua nhà, chúng tôi có thể "ăn dè hà tiện" để trả nợ và gom góp để trả bạn bè dần. Quan trọng nhất, tôi đánh giá cảm quan rằng, căn nhà này sẽ dễ bán có lời. Cộng với lần đầu tư đầu tiên thuận buồm xuôi gió, tôi chắc mẩm về quyết định "liều ăn nhiều" lần này sẽ đúng.


Đến tháng 12/2020, tôi đã hoàn tất việc mua bán chuyển nhượng căn nhà 4 tầng trong ngõ hẻm và chuyển về ở. Song, hiện thực luôn trái với dự định và giấc mơ. Tôi rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất ngay sau khi chuyển sang căn nhà đất. Trong số tiền vay bạn bè 200 triệu đồng, một số người bạn vì việc cần gấp nên đề nghị lấy lại tiền. Vậy là tôi rơi vào tình trạng "chạy vạy" khắp nơi để gom tiền trả bạn.


Chưa kể, công việc của tôi đã không còn thuận lợi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thu nhập sụt giảm nghiêm trọng và luôn thấp thỏm trong tình trạng nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự. Khoản nợ gốc lãi ngân hàng 15 triệu đồng/tháng khiến tôi càng khó cáng đáng. Tâm trí lo nợ nần khiến hiệu quả công việc của tôi cũng giảm sút.


Sau quyết định táo bạo "liều ăn nhiều", tôi rơi vào tình trạng "khủng hoảng" tinh thần, sút 3kg vì nợ nần. 3 tháng sau khi ở căn nhà đất, tôi buộc phải nhờ môi giới rao bán nhà. Nhưng điều đáng nói, đúng thời điểm dịch bệnh nên khách hỏi thăm mua nhà rất ít. Chưa kể, mức giá gần 3 tỷ đồng không dành cho lượng lớn những người có tiền.


Đến bây giờ, tôi rất hối hận với quyết định bồng bột, thiếu suy nghĩ, ham làm giàu trước đây của chính mình. Trong đầu tư đất, bạn có thể may mắn 1 lần nhưng không thể may mắn lần 2 nếu không có tính toán cẩn trọng. Sử dụng đòn bẩy tài chính chiếm tới 65% giá trị sản phẩm trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 là rủi ro rất lớn đối với tôi. Thị trường mua – bán cũng không hề dễ dàng như tôi tưởng tượng vì nhà đất thực tế là một mặt hàng khá "kén khách". Đến hiện tại, tôi đang cố gắng cầm cự trả gốc - lãi và tiếp tục nhờ môi giới tìm khách. Đây sẽ là bài học đáng nhớ cho tham vọng làm giàu từ đất của tôi. 


Đăng nhận xét (0)
Mới hơn Cũ hơn