Bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, trong 8 tháng đầu năm 2021, số dự án và vốn đầu tư vào khu công nghiệp tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tăng mạnh.
Số dự án, vốn đầu tư vào khu công nghiệp vượt kế hoạch
Tin từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, từ đầu năm đến nay, mặc dù diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, nhưng số dự án đầu tư vào các khu công nghiệp vẫn tăng so với kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch, năm 2021, tỉnh đề ra mục tiêu thu hút 30 dự án đầu tư, nhưng 8 tháng 2021 đã có 39 dự án đầu tư được cấp mới, trong đó, có 11 dự án FDI và 28 dự án trong nước. Tổng vốn thu hút hơn 945 triệu USD, đạt hơn 150% kế hoạch năm, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy, tính đến nay, tại các khu công nghiệp của tỉnh có 498 dự án đầu tư còn hiệu lực, gồm 242 dự án trong nước và 256 dự án FDI, trong đó có 322 dự án đang hoạt động.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư, trong đó có một số quốc gia có vốn FDI lớn như Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp.
Qua hơn 30 năm thu hút đầu tư FDI, lũy kế đến nay tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 429 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 29,4 tỷ USD. Các dự án này thường có quy mô và suất đầu tư lớn, ít thâm dụng lao động, tập trung chính vào các lĩnh vực du lịch, cảng biển, sản xuất công nghiệp chất lượng cao.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu thu hút các dự án có thương hiệu đẳng cấp, thân thiện với môi trường, bền vững, tạo sự lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội, đem lại giá trị cho người dân thụ hưởng. Trong đó, thu hút mới 150 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,2 tỷ USD và 185 dự án đầu tư trong nước với tổng khoảng 100.000 tỷ đồng.
Mới đây, trong khuôn khổ chuyến công du Mỹ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa liên danh Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) - Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, HoSE: SGT) và Tập đoàn Quantum (Mỹ).
Theo đó, Tập đoàn Quantum (Mỹ) cam kết đóng góp cho quá trình xây dựng, phát triển Việt Nam với các dự án có tổng giá trị từ 20 - 30 tỷ USD. Trong đó, nhiều dự án được đề xuất ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cụ thể, Quantum đặt trọng tâm đầu tư tại Việt Nam vào những lĩnh vực quan trọng như nhà máy điện Long Sơn (trị giá khoảng 5 tỷ USD) tại Bà Rịa – Vũng Tàu, các dự án đầu tư hạ tầng với tầm nhìn dài hạn như cảng Long Sơn (bao gồm cả cảng khí để cung cấp cho khu công nghiệp và hộ gia đình sau này).
Quantum cũng bày tỏ mong muốn được đầu tư lớn vào mảng logistics tại Vũng Tàu và xây dựng tuyến đường sắt từ Vũng Tàu kết nối Đồng Nai, Bình Dương, Tp.HCM; logistics phía Bắc Việt Nam từ Lạng Sơn đến Hà Nội và Hải Phòng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng hỗ trợ Quantum và các đối tác Công ty Kinh Bắc và Công ty Công nghệ Viễn thông Sài Gòn triển khai thành công các dự án đầu tư tại Việt Nam.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, Vũng Tàu sẽ là địa phương có giá thuê đất tăng mạnh nhất trong thời gian tới với khoảng 13%, lên 85 USD/m2/chu kỳ thuê. Dự báo này được đưa ra trên cơ sở nguồn cung tại hai thủ phủ Bình Dương và Đồng Nai hạn chế và Vũng Tàu có giá thuê cạnh tranh hơn so với khu vực Long An.
Đề xuất đầu tư thêm 4 khu công nghiệp 5.700 ha ở Châu Đức
Thống kê từ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, hiện thị xã Phú Mỹ đang là địa bàn phát triển nhiều khu công nghiệp nhất, với tổng diện tích 4985,39ha, chiếm hơn 48% tổng diện tích khu công nghiệp toàn tỉnh. Tiếp theo đó là huyện Châu Đức, có 3.082ha khu công nghiệp, chiếm gần 30% tổng diện tích khu công nghiệp toàn tỉnh.
Để đẩy mạnh phát triển lợi thế bất động sản công nghiệp, mới đây, UBND huyện Châu Đức đã đề xuất thêm 4 khu công nghiệp với tổng diện tích 5.700 ha. Với kế hoạch này, huyện Châu Đức sẽ tăng tổng diện tích khu công nghiệp gấp 2,8 lần hiện tại lên 8.782ha, vươn lên dẫn đầu toàn tỉnh. Diện tích khu công nghiệp dự kiến của huyện này chiếm 45% toàn tỉnh, gấp gần 1,4 lần diện tích khu công nghiệp của địa phương xếp thứ 2 là thị xã Phú Mỹ.
Trong quy hoạch các khu công nghiệp định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề xuất thực hiện, Khu đô thị - Công nghiệp công nghệ cao Cù Bị, với quy mô 3.000 ha, là dự án có quy mô lớn nhất. Thời gian thực hiện dự án là giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.
Ngoài ra, huyện Châu Đức cũng đề xuất đầu tư Khu đô thị - Công nghiệp tại xã Xà Bang với diện tích dự kiến 1.200 ha; Khu đô thị - Công nghiệp tại xã Bình Ba với quy mô 800 ha; Mở rộng thêm Khu công nghiệp Đá Bạc giai đoạn 2 và 3 với tổng diện tích khoảng 700 ha.
Dự kiến đến năm 2022 Châu Đức sẽ có khoảng 80.000 - 120.000 kỹ sư, chuyên gia và công nhân về làm việc, với tỷ lệ lấp đầy 80%. |
Trước đó, Tập đoàn AMATA (Thái Lan) đã có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc xin nghiên cứu dự án đầu tư Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ tại xã Cù Bị, huyện Châu Đức. Trong văn bản này, AMATA cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Lý do là bởi tỉnh có tiềm năng mở rộng đầu tư phát triển khu công nghiệp với vị trí thuận lợi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chỉ cách TP.HCM khoảng 100km, lại có hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế, các tuyến cao tốc quốc gia, giao thông đường bộ liên vùng được quy hoạch đồng bộ và đang dần được đầu tư phát triển.
Do vậy, Tập đoàn AMATA đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho phép được xúc tiến nghiên cứu để đề xuất dự án đầu tư tại địa bàn xã Cù Bị, huyện Châu Đức nhằm hình thành một khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ cửa ngõ phía Tây Bắc của tỉnh. Tổng diện tích khu vực đề xuất nghiên cứu khoảng 3.800 ha.
Hiện nay, Châu Đức đang có 2 khu công nghiệp quy mô lớn là cụm khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức (2.287 ha, lớn nhất ở Bà Rịa – Vũng Tàu hiện tại) và khu công nghiệp Đá Bạc (1.058 ha). Bên cạnh đó là khá nhiều cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, Sonadezi Châu Đức được đánh giá là một trong những khu công nghiệp phức hợp lớn của cả nước và đã thu hút 60 doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ… Dự kiến đến năm 2022 sẽ có khoảng 80.000 - 120.000 kỹ sư, chuyên gia và công nhân về làm việc, với tỷ lệ lấp đầy 80%.