Giá quặng sắt tại Châu Á đã giảm một nửa chỉ trong vòng 2 tháng xuống mức thấp nhất trong vòng 10 tháng sau chuỗi tuần lao dốc. Nguyên liệu sản xuất thép đang trong giai đoạn biến động cực mạnh, với biên độ giá dao động mỗi ngày lên tới khoảng 10%.
Sáng 22/9, ngay khi thị trường giao dịch trở lại sau 4 phiên đóng cửa nghỉ lễ trước đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) mất tới 6% chỉ còn 606 nhân dân tệ (93,65 USD)/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 26/11.
Kết thúc phiên 22/9, giá hồi phục một phần, lên mức 3,7% so với phiên liền trước, đạt 668,50 nhân dân tệ (103,41 USD)/tấn, song nhà đầu tư vẫn nghi ngờ việc giá tăng có tạo thành xu hướng hay không khi mà nhu cầu từ Trung Quốc vẫn giảm và nguồn cung có triển vọng sẽ ngày càng cải thiện. Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 10 kết thúc phiên này cũng tăng 12,9% lên 105,75 USD/tấn, sau khi giảm 8% ở phiên liền trước.
Trung Quốc – nước sản xuất thép lớn nhất thế giới – đang siết chặt sản xuất thép để giảm lượng khí thải carbon. Ngoài ra, những dấu hiệu về sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản của nước này, đặc biệt là sau vụ tập đoàn bất động sản Evergrande có nguy cơ vỡ nợ, cũng đè nặng lên thị trường quặng sắt, khiến giá mặt hàng này liên tục trồi sụt.
Chỉ trong vòng 2 tháng, giá quặng sắt đã giảm một nửa. Theo đó, loại quặng 62% nhập khẩu tới cảng biển Trung Quốc (hàng giao ngay) giảm từ mức 220 USD/tấn cách đây 8 tuần xuống còn 103 USD/tấn vào ngày 17/9, mức thấp nhất trong vòng 14 tháng.
Từ một mặt hàng "hot" nhất trong số các nguyên liệu những tháng đầu năm nay, khi có lúc lên tới 230 USD/tấn vào tháng 5/2021, giá quặng sắt năm 2021 đã mất tới 34%, trở thành mặt hàng kém hiệu quả nhất trong năm nay, cho thấy sự thăng trầm khó lường của một nguyên liệu liên quan mật thiết tới những lĩnh vực nhạy cảm: Bất động sản và tăng trưởng kinh tế.
Giá quặng sắt |
Sau khi chạm mức cao kỷ lục 230 USD vào đầu năm nay, giá quặng sắt quay đầu giảm do Trung Quốc kìm hãm ngành thép - vốn có công nghệ và thiết bị lạc hậu và tiêu thụ nhiều năng lượng, là một trong những yếu tố góp phần lớn nhất gây ô nhiễm ở nước này. Trung Quốc đã nhiều lần thúc giục các nhà máy thép giảm sản lượng trong năm nay để hạn chế lượng khí thải carbon theo lộ trình đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060.
Chiến lược gia hàng hóa cao cấp Daniel Hynes của ANZ cho biết: "Không gì có thể cản trở việc Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép, bởi Bắc Kinh có mục tiêu cải thiện chất lượng không khí trước khi diễn ra Thế vận hội mùa Đông vào đầu năm tới. Chính phủ đang yêu cầu những tỉnh xung quanh Thủ đô Bắc kinh phải cắt giảm sản lượng thép vì mục tiêu này".
Theo nhà cung cấp dữ liệu ngành thép Mysteel, ngành thép Trung Quốc đã gia tăng việc cắt giảm sản lượng từ tháng trước, nhằm mục đích giảm lượng khí thải carbon. Theo đó, các tỉnh Hà Bắc và Sơn Đông – những trung tâm sản xuất thép của nước này – công bố đã cắt giảm 20% sản lượng của mình.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng thép thô của nước này trong tháng 8 đã giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái, là tháng thứ 3 liên tiếp giảm, xuống còn 83,24 triệu tấn; sản lượng trung bình hàng ngày ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Điều này phản ánh tác động của việc thực hiện các hạn chế sản xuất tại các nhà máy thép.
Sản lượng thép giảm mạnh trong khi nhu cầu trong nước từ lĩnh vực bất động sản chậm lại nhưng từ lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, từ ô tô đến đồ gia dụng, ống thép, vỏ hộp… đều tăng mạnh khiến giá thép tại nước này gần đây tăng khá đều đặn, ngược chiều với giá quặng sắt.
Phiên 22/9, giá thép thanh vằn – dùng trong xây dựng – giao dịch trên sàn Thượng Hải đã tăng 2,9% so với phiên giao dịch gần đây nhất, lên 5.800 CNY/tấn, cao nhất kể từ giữa tháng 5, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 1% và thép không gỉ tăng 3,7% so với phiên giao dịch liền trước (17/9).
Giá thép thanh vằn |
Giá quặng sắt giảm không chỉ do ngành thép kiềm chế sản lượng, mà còn bởi sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc ngày càng trở nên trầm trọng.
Tực vậy, những dấu hiệu cho thấy sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến giá quặng sắt.
Đầu tư vào bất động sản của nước này trong tháng 8 chỉ tăng 0,3% so với một năm trước - tốc độ chậm nhất trong 18 tháng và thấp hơn nhiều so với mức tăng 1,4% trong tháng Bảy, phản ánh các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn trước.
Giá nhà mới của Trung Quốc cũng tăng với tốc độ chậm nhất trong nhiều tháng do các nhà chức trách cố gắng kiềm chế thị trường bất động sản "nóng đỏ" và các biện pháp hạ nhiệt được cho là sẽ hạn chế tăng giá nhà trong tương lai.
Thị trường bất động sản của Trung Quốc cũng đang phải chật vật với những vấn đề liên quan đến tập đoàn phát triển bất động sản lớn thứ hai nước này, Evergrande Group – hiện đang là nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới, với khoản nợ hơn 300 tỷ USD và gần như khả năng vỡ nợ là khó tránh khỏi, thậm chí đến ngay trong tuần này.
Triển vọng sáng tối đan xen
Nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc dự báo sẽ còn tiếp tục trì trệ do sản lượng thép của nước này trong 6 tháng cuối năm phải giảm 12% so với cùng kỳ năm trước mới có thể đạt mục tiêu sản lượng năm 2021 bằng năm 2020.
Tuy nhiên, các nhà cung cấp quặng sắt thế giới lại đang được hưởng lợi từ nhu cầu ở những thị trường còn lại trên thế giới.
Ngành công nghiệp thép đang cho thấy nhiều triển vọng khi nhu cầu vẫn tăng mạnh trong các lĩnh vực xây dựng và sản xuất trên toàn thế cầu. Do đó, giá thép ở những thị trường chủ chốt khác, như Mỹ hay Châu Âu, vẫn duy trì ở mức cao bởi nguồn cung bị thắt chặt và lượng dự trữ thép còn rất ít sau giai đoạn nhu cầu hồi phục mạnh mà chuỗi cung ứng lại bị đứt gãy.
Hiệp hội Thép Thế giới dự báo nhu cầu thép toàn cầu sẽ tăng 5,8% trong năm 2021 và đạt 1.874 triệu tấn; năm 2022, nhu cầu sẽ tiếp tục tăng 2,7%, đạt 1.924,6 triệu tấn. Trong đó, ở các nền kinh tế phát triển, nhu cầu thép sẽ tăng lần lượt 8,2% và 4,2% vào năm 2021 và 2022.
Các ngành sản xuất ô tô và xây dựng trên toàn thế giới đang hồi phục sẽ thúc đẩy nhu cầu thép. Tại Trung Quốc, nhu cầu thép dự kiến sẽ cũng tăng 3,0% vào năm 2021 nhưng sẽ giảm 1% vào năm 2022 do tác động của việc siết chặt các quy định về môi trường.
Trong khi đó, tại Mỹ, gói chi tiêu lớn mà chính phủ dành cho xây dựng lại cơ sở hạ tầng bao gồm đường sắt, đường cao tốc và cầu sẽ thúc đẩy đáng kể nhu cầu thép, từ đó thúc đẩy nhu cầu về quặng sắt.