Trong 1 tháng, gần 25.000 tỷ đồng tiền gửi rút khỏi hệ thống ngân hàng

Dịch bệnh kéo dài những tháng qua đã ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp và khiến nhu cầu tiền mặt tăng. Nguồn tiền nhàn rỗi của người dân để gửi thêm vào ngân hàng cũng nhỏ giọt. Theo đó, chênh lệch tiền gửi - tín dụng đã thu hẹp đáng kể.

Trong 1 tháng, gần 25.000 tỷ đồng tiền gửi rút khỏi hệ thống ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật dữ liệu về tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 7/2021. 


Cụ thể, cuối tháng 7, khách hàng đang gửi hơn 10,3 triệu tỷ đồng tại hệ thống TCTD, giảm hơn 24.600 tỷ đồng so với cuối tháng 6. Nguyên nhân là tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp bất ngờ giảm tới hơn 25.900 tỷ, trong khi tiền gửi dân cư tăng rất ít (chỉ tăng hơn 1.200 tỷ đồng). 


Mặc dù giảm trong tháng 7/2021 nhưng tiền gửi của nhóm doanh nghiệp vẫn tăng 4,25% so với đầu năm và đạt hơn 5 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,29 triệu tỷ đồng, tăng 2,97%.


Trước đó, trong năm 2019-2020, tiền gửi của khách hàng trong tháng 7 vẫn có tăng trưởng từ 9.000-15.000 tỷ đồng. 


Theo đánh giá của các chuyên gia của chứng khoán SSI, tăng trưởng tiền gửi hầu như đi ngang trong suốt 3 tháng qua là do dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp và khiến nhu cầu tiền mặt tăng. 


Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến cuối tháng 8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỷ đồng, tăng 7,42% so với cuối năm 2020. Tín dụng đối với các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ 2020, tín dụng lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trưởng cao hơn nhiều tăng trưởng tín dụng chung.


Hiện chênh lệch tiền gửi – tín dụng là khoảng 570 nghìn tỷ đồng, trong khi cuối năm 2020 là khoảng 830 nghìn tỷ. Như vậy, có thể thấy chênh lệch tiền gửi – tín dụng đã thu hẹp đáng kể từ đầu năm đến nay. 


Mặc dù vậy, theo SSI, mức chênh lệch chưa thực sự tạo áp lực và tiếp tục duy trì dự báo lãi suất huy động vẫn tiếp tục đi ngang, thậm chí có thể giảm trong trường hợp NHNN cần phải có các biên pháp nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế.


Trong vài tuần gần đây, lãi suất huy động có diễn biến trái chiều ở nhiều ngân hàng. Cụ thể, lãi suất được điều chỉnh giảm khoảng 10 – 30 điểm cơ bản ở các NHTM lớn như BIDV, Techcombank, Sacombank,... trong khi các ngân hàng nhỏ như Baovietbank, PGBank điều chỉnh tăng. SSI cho răng, việc một số ngân hàng nhỏ ngược chiều tăng lãi suất một phần là do áp lực của Thông tư 08/2020, có hiệu lực từ ngày 1/10/2021 kiểm soát tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm lãi suất cho vay.


Đăng nhận xét (0)
Mới hơn Cũ hơn