Ngày 27/8, UBND Bình Định đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để lập thủ tục gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản tại xã Cát Thành, huyện Phù Cát của BMC với diện tích 18,36 ha.
Giai đoạn năm 2007, CTCP khoáng sản Bình Định (Mã CK: BMC) là một trong những cái tên "hot" nhất nhì trên sàn chứng khoán Việt Nam. Khi đó, BMC có thời điểm leo lên mức giá 847.000 đồng và trở thành cổ phiếu đắt giá nhất thị trường, bỏ xa những tên tuổi đình đám xếp sau như SJS, FPT, DHG… Cho đến thời điểm hiện nay, TTCK Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào có thị giá lớn hơn BMC năm 2007.
Có thể nói, đà tăng giá của BMC thời kỳ đó có nguyên nhân đến từ việc dòng tiền đổ vào TTCK quá lớn trong khi hàng hóa trên sàn còn ít, dẫn tới giá cổ phiếu tăng mạnh. Bên cạnh đó, cơ cấu cổ đông của BMC cũng rất cô đặc càng khiến cho cổ phiếu dễ tăng giá.
Ngoài ra, một yếu tố thúc đẩy đà tăng của BMC còn bởi đây là doanh nghiệp khai thác quặng Titan lớn nhất Bình Định. Trong quãng thời gian từ năm 2011 trở về trước, cơn sốt giá titan trên thị trường kéo theo kết quả kinh doanh của BMC tăng trưởng vượt trội và thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Đỉnh cao của hoạt động kinh doanh BMC cũng là năm 2011 – thời điểm giá titan đạt đỉnh và doanh nghiệp đạt hơn 91 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tuy vậy, kể từ năm 2012 trở đi, các doanh nghiệp sản xuất titan nói chung phải đối mặt với tình trạng giá Titan sụt giảm. Sản lượng tiêu thụ lẫn giá cả sản phẩm đều xuống rất thấp, kéo theo KQKD cũng như giá cổ phiếu BMC sụt giảm sâu so với đỉnh lịch sử gần 90.000 đồng/cp năm 2007 (giá đã điều chỉnh).
Kỳ vọng xuất khẩu Titan trở lại sau 8 năm
Sau giai đoạn sụt giảm sâu bởi ảnh hưởng của giá Titan sụt giảm cũng như hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, cổ phiếu BMC đang dần trở lại trong thời gian gần đây và có lúc lên 37.500 đồng/cp trong tháng 9/2021, đây cũng là mức giá cao nhất của BMC từ năm 2013 tới nay.
Kết quả kinh doanh tích cực trở lại là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu. Báo cáo kiểm toán 6 tháng đầu năm 2021 của BMC ghi nhận 7,31 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng gần 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty tính tới cuối quý 2 đạt 23,3 tỷ đồng. Tổng tài sản công ty đạt 232 tỷ đồng, trong đó có 77 tỷ đồng tiền gửi tại các ngân hàng.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý hơn cả là kỳ vọng của giới đầu tư về hoạt động xuất khẩu Titan trở lại của BMC sau 8 năm tạm ngưng.
Cụ thể, ngày 29/7 vừa qua, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Định đã có ý kiến về chủ trương xuất khẩu Titan đã chế biến của BMC. Đến ngày 13/8, UBND tỉnh Bình Định đã xét đề nghị của Sở Công thương, Giao cục Hải quan tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét đề nghị của Sở Công thương về việc xuất khẩu quặng Titan đã chế biến của BMC.
Mới nhất vào ngày 27/8, UBND Bình Định đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để lập thủ tục gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản tại xã Cát Thành, huyện Phù Cát của BMC với diện tích 18,36 ha. UBND Bình Định giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, hướng dẫn đơn vị liên quan và BMC thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định.
Việc được xuất khẩu Titan trở lại trong bối cảnh giá hàng hóa, đặc biệt Titan thế giới đang tăng phi mã được kỳ vọng giúp kết quả kinh doanh cải thiện đáng kể trong thời gian tới. Trong khi Công ty đang có 83 tỷ tồn kho thành phẩm đến cuối quý 2.
Sự trở lại của BMC cùng giá Titan thế giới
Thời gian gần đây, giá Titan thế giới đang phục hồi mạnh trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh cho các sản phẩm như sơn nhà, sơn phủ oto và nhu cầu Titan trong dây chuyền sản xuất – sửa chữa máy bay. Bên cạnh đó, thông tin hỗ trợ giá Titan gần đây là 2 hãng Boeing và Airbus đều công bố số lượng máy bay bàn giao trong quý 2 vừa qua tăng mạnh hàm ý nhu cầu Titan phục hồi.
Dữ liệu từ Paint and Coating Industry cho biết giá TiO2 xuất khẩu của Trung Quốc đã lên tới 3.0 00 USD/tấn, đây là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi đó, theo Asian Metal, giá xốp titan tại Trung Quốc cuối quý 2 ghi nhận 10,5 USD/kg, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Yuanta, trong ngắn hạn, thông tin về việc mở cửa các đường bay quốc tế tại các nước vẫn đang hỗ trợ giá Titan đến 2022 và điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho BMC.
Trong dài hạn, thị trường Titan toàn cầu được dự báo tăng trưởng trung bình 6% mỗi năm. BMC cũng chuyển sang chiến lược gia tăng hàm lượng và chất lượng các sản phẩm quặng và sản phẩm đã chế biến để tăng giá trị sản phẩm.
Hiện sản phẩm chính của BMC là Ilmenite, nguyên liệu chính dùng để sản xuất bột màu Titan dioxit (TiO2) và kim loại Titan. Bên cạnh đó trong quá trình chế biến, công ty còn thu được các sản phẩm khác như Zircon, Rutile, Monazite, Magnetic – là các hợp chất dùng trong ngành công nghiệp gạch men, que hàn điện, chế tạo bột màu Titan dioxit.