NĐT cá nhân đổ gần 3,2 tỷ USD vào chứng khoán

Nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là động lực lớn đưa VN-Index lên mức đỉnh lịch sử trong tháng 10 khi mua ròng hơn 2.252 tỷ đồng. Lũy kế sau 10 tháng mua ròng kể từ đầu năm, các cá nhân trong nước đã mua ròng hơn 74.000 tỷ đồng trên sàn HOSE, tương đương giá trị hơn 3,2 tỷ USD.


NĐT cá nhân đổ gần 3,2 tỷ USD vào chứng khoán


VN-Index tạo lập đỉnh lịch sử, nhà đầu tư cá nhân mua ròng trong 10 tháng liên tiếp


Với việc chính thức nới lỏng giãn cách kể từ tháng 10, tâm lý thị trường đã tích cực hơn giúp chỉ số có những phiên tăng điểm ngay từ đầu tháng. Bên cạnh đó, kỳ vọng vào gói kích thích mới có khả năng được thông qua vào cuối năm 2021 đã nâng cao kỳ vọng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.


Sau khi dao động tích lũy và nhiều lần chùn chân trước ngưỡng cản cứng, sự trở lại của nhóm vốn hóa lớn đã giúp VN-Index bứt phá thành công và thiết lập mức cao nhất mức đỉnh cao nhất mọi thời đại tại 1.444,27 điểm trong phiên đóng cửa, tăng 102,21 điểm tương đương 7,62% so với phiên mở cửa.


Bên cạnh đó, HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt đóng cửa tháng ở 412.12 điểm và 105,38 điểm, tương ứng mức tăng 15,3% và 9,13% so với cuối tháng 9.


VN-Index bứt phá lên vùng đỉnh lịch sử ngay trước khi đóng cửa tháng 10.
VN-Index bứt phá lên vùng đỉnh lịch sử ngay trước khi đóng cửa tháng 10.

Trong tháng 10, dòng tiền có sự trở lại mạnh mẽ khi thanh khoản bình quân tăng 10,95% so với tháng trước đó và cao hơn 14,12% so với mức trung bình cả năm. Tính riêng tại HOSE, giá trị giao dịch bình quân đạt 22.139 tỷ đồng, tăng 5,94% so với tháng 9.


Giao dịch khớp lệnh tại HOSE của nhà đầu tư cá nhân kể từ đầu năm.
Giao dịch khớp lệnh tại HOSE của nhà đầu tư cá nhân kể từ đầu năm.

Dòng tiền cuồn cuộn đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam có sự đồng thuận của cả ba nhóm nhà đầu tư nội. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân vẫn đóng vai trò lớn nhất trong việc dẫn dắt chỉ số tăng điểm. Nhóm này ròng hơn 2.252 tỷ đồng tại HOSE, trong đó mua qua khớp lệnh là 3.302 tỷ đồng và chiếm hơn 50% giá trị mua ròng tại sàn HOSE. 


Lũy kế từ đầu năm, các cá nhân trong nước đã rót ròng hơn 74.000 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong 10 tháng liên tiếp, tương đương hơn 3,2 tỷ USD.


Đồng thuận với các cá nhân, khối tự doanh CTCK cũng gia tăng lực cầu trong tháng 10 khi mua ròng qua khớp lệnh 2.667 tỷ đồng tại HOSE, tăng hơn 60% so với tháng trước. Các tổ chức trong nước cũng trở lại mua ròng 580 tỷ đồng trong tháng 10, tập trung trong tuần cơ cấu ETF cuối cùng của tháng.


Mặc dù khối ngoại tiếp đà bán ròng 5.248 tỷ đồng trên HOSE, trong đó bán ròng khớp lệnh đạt 6.549 tỷ đồng trong tháng thứ ba liên tiếp, điểm tích cực là quy mô bán ròng đã giảm mạnh so với tháng trước. Tính từ đầu năm, nhóm này bán ròng trong 8/10 tháng với giá trị lũy kế kỷ lục 46.252 tỷ đồng.


Dòng tiền quay lại nhóm dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản, bán ròng cổ phiếu ngân hàng


Quan sát giao dịch theo từng ngành, dòng tiền thông minh có sự dịch chuyển khi quy mô mua ròng tại nhóm bất động sản giảm mạnh từ 7.306 tỷ đồng trong tháng 9 xuống còn 1.015 tỷ đồng. Tuy vậy, đây vẫn là một trong những nhóm biến động tích cực với chỉ số giá chung tăng hơn 13% trong tháng 10 và giá trị giao dịch tăng mạnh nhất với 0,87% so với tháng trước đó.


Rời khỏi bất động sản, lực cầu dịch chuyển qua nhóm dịch vụ tài chính (2.511 tỷ đồng) và tài nguyên cơ bản (1.493 tỷ đồng), hàng và dịch vụ công nghiệp (1.470 tỷ đồng). Giao dịch tại ba nhóm này có sự cải thiện đáng kể so với tháng 9 và đóng góp phần lớn cho quy mô mua ròng của các cá nhân.


Giao dịch khớp lệnh theo nhóm ngành.
Giao dịch khớp lệnh theo nhóm ngành.

Tại chiều bán, giao dịch bán ròng xuất hiện mạnh nhất ở nhóm cổ phiếu "vua" với quy mô bán ròng tăng mạnh lên mức 2.503 tỷ đồng. Xu hướng chốt lời cổ phiếu ngân hàng của các cá nhân đã kéo dài từ tháng 8 khi nhóm này đã dẫn đầu đà tăng thị trường trong suốt 6 tháng đầu năm. Trái lại, cả tổ chức nội và khối tự doanh đều quay lại mua gom cổ phiếu của các nhà băng trong tháng 10.


Nối tiếp, dòng tiền cá nhân rút ròng nhẹ hơn khỏi một số nhóm gồm điện, nước và xăng dầu khí đốt (741 tỷ đồng), bán lẻ (493 tỷ đồng) và thực phẩm và đồ uống (179 tỷ đồng).


Tâm điểm mua ròng tháng 10: HPG, NLG, SSI


Thống kê giao dịch từng mã, cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát là mã được các cá nhân mua gom nhiều nhất với 1.468 tỷ đồng. Sau khi chịu điều chỉnh kể từ tháng 6, cổ phiếu HPG đã gây ấn tượng khi quay lại vùng đỉnh cũ và tiếp tục bứt phá lên mức giá cao nhất 58.000 đồng/cp trong phiên 28/10.


Trong quý III, bất chấp sự bùng phát của biến chủng delta, Hòa Phát vẫn báo lãi ròng kỷ lục 10.350 tỷ đồng, tăng 170% so với cùng kỳ và là quý lãi lớn nhất trong lịch sử hoạt động của tập đoàn. Sau khi báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng, dòng vốn ngoại đã quay trở lại mua gom cổ phiếu HPG trong ba phiên cuối tháng sau khi liên tiếp bán ròng kể từ đầu năm.


Nối tiếp, cổ phiếu NLG của CTCP Đầu tư Nam Long xếp vị trí á quân giá trị mua ròng 1.267 tỷ đồng. Gần đây, Nam Long đã hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư, qua đó tăng vốn lên 3.453 tỷ đồng.


Theo sau, danh mục mua ròng của nhà đầu tư cá nhân tập trung ở nhóm dịch vụ tài chính với hai đại diện là SSI (1.179 tỷ đồng) và VND (512 tỷ đồng). Bất chấp thị trường diễn biến ảm đạm hơn trong quý III, phần lớn công ty chứng khoán đều công bố kết quả kinh doanh khả quan và tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.


Bên cạnh đó, chiều mua ròng cũng xuất hiện hàng loạt cổ phiếu với giá trị mua ròng dưới 1.000 tỷ đồng như PAN (978 tỷ đồng), FIT (529 tỷ đồng), DCM (502 tỷ đồng), NVL (486 tỷ đồng), GMD (486 tỷ đồng), NBB (356 tỷ đồng).


Top 10 mã nhà đầu tư cá nhân mua-bán ròng nhiều nhất tháng 10.
Top 10 mã nhà đầu tư cá nhân mua-bán ròng nhiều nhất tháng 10.

Trở lại bên bán, cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes là mã chịu áp lực xả lớn nhất từ các cá nhân với giá trị 1.152 tỷ đồng. Mặc dù giao dịch ảm đạm trong cả 3 tuần đầu tiên của tháng 10, sự bứt phá của VHM về cuối tháng đã giúp mã này tăng 9% giá trị và đóng góp hơn 9,9 điểm đưa VN-Index lên đỉnh thời đại.


Theo sau, dòng tiền cá nhân tập trung rút ròng khỏi nhóm ngân hàng với 6 đại diện nằm trong top10 mã bị bán ròng mạnh nhất, lần lượt gồm TCB (711 tỷ đồng), TPB (646 tỷ đồng), SSB (590 tỷ đồng), STB (514 tỷ đồng), MBB (376 tỷ đồng), ACB (337 tỷ đồng). Là mã đóng góp lớn nhất cho VN-Index, cổ phiếu GAS cũng chịu áp lực bán ròng hơn 581 tỷ đồng sau khi tăng liên tục lên vùng đỉnh trong tháng 10.



Đăng nhận xét (0)
Mới hơn Cũ hơn