Tranh cãi về tương lai Internet

Trong khi nhiều người tin Web 3.0 sẽ là tương lai của Internet, Elon Musk và Jack Dorsey cho rằng đây chỉ là chiêu trò tiếp thị.


Tranh cãi về tương lai Internet

Web3, hay Web 3.0, là một trong những từ khóa thu hút sự chú ý trên Internet và trở thành chủ đề gây tranh cãi của các tỷ phú công nghệ. Đây là thuật ngữ chỉ hệ thống web phi tập trung được xây dựng tên nền tảng blockchain. Nó được coi là bước tiến tiếp theo của Internet, nơi sẽ không còn các máy chủ, và người dùng được quyền kiểm soát dữ liệu, danh tính và số phận của chính họ. Dù mới ở giai đoạn sơ khai, Web3 nhận được nhiều ủng hộ từ cộng đồng.


Đa số những người ủng hộ Web3 đánh giá các nền tảng trực tuyến hiện tại mang tính tập trung quá cao và bị chi phối bởi các công ty công nghệ lớn như Apple, Amazon, Google hay Meta - công ty mẹ của Facebook. Những hãng này lưu trữ vô số dữ liệu và thông tin cá nhân trên khắp thế giới, khiến người dùng khó có thể tin tưởng.


Tuy nhiên, những tỷ phú công nghệ thế hệ mới như Elon Musk, CEO Tesla hay Jack Dorsey, đồng sáng lập Twitter, có cái nhìn kém tích cực về tương lai Web3.


Elon Musk và Jack Dorsey nghi nghờ về tương lai của Web3.
Elon Musk và Jack Dorsey nghi nghờ về tương lai của Web3.

Ngày 20/12, Musk chia sẻ lên Twitter cuộc phỏng vấn giữa Bill Gates và người dẫn chương trình David Letterman năm 1995. Nội dung cuộc trò chuyện xoay quanh việc Gates dự đoán tương lai của Internet, trong khi Letterman thắc mắc về sự khác biệt giữa công nghệ đài phát thanh với Internet. Theo ông, mọi người vẫn có thể sử dụng công nghệ băng đĩa để lưu trữ và xem lại bất cứ lúc nào thay vì cần tới Internet như Gates nói.


Musk cho rằng nhận thức của đa số người dùng về Web3 hiện nay cũng giống với nhận thức về Internet hàng chục năm trước. Dù vậy, ông coi Web3 - trong đó các dịch vụ Internet được xây dựng lại xung quanh blockchain và tiền điện tử - là một khái niệm viển vông, mang tính "tiếp thị nhiều hơn thực tế".


Musk thừa nhận có thể ông đã "quá già" để hiểu xu hướng công nghệ mới. "Tôi lúc này giống như một trong số những người coi Internet 95 là một thứ mốt nhất thời, hay thứ gì đó sẽ không bao giờ trở thành hiện thực", ông nói, nhưng cũng nhấn mạnh rằng hồi năm 1995, ông đã hiểu rõ tiềm năng của Internet.


Một tỷ phú công nghệ khác là Jack Dorsey cũng không tin Web3 sẽ là tương lai của Internet. Theo ông, Web3 thực ra đang nằm dưới sự kiểm soát của các nhà đầu tư lớn. "Nó đang nằm đâu đó giữa chữ a và z", Dorsey bình luận, ám chỉ xu hướng này có thể bị chi phối bởi a16z - một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới vào Web3.


Trong khi đó, TechCrunch dẫn lời Hilary Carter, Phó chủ tịch Quỹ Linux, rằng Web3 tồn tại và phát triển nhờ sự đổi mới từ blockchain. "Con đường này không bằng phẳng, nhiều công nghệ đã bị loại bỏ vì những thất bại khởi đầu, nhưng chính những thất bại đó đã thúc đẩy sự đổi mới và giải quyết các vấn đề lớn của nhân loại. Sự lo ngại về tính bền vững của blockchain vài năm trước đã được giải quyết. Ảnh hưởng của nó lớn đến mức ngày nay, nhiều quốc gia đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống tiền tệ kỹ thuật số riêng. Đó là cơ sở để nhiều người đặt niềm tin vào Web3 - công nghệ được xây dựng trên nền tảng blockchain", Carter nói.


Các giai đoạn của Web


Các giai đoạn của Web

Web1 được coi là sự trỗi dậy của mạng lưới liên kết toàn cầu bằng Internet. Nó khởi đầu với cuộc cách mạng World Wide Web (1991-2004). Trên Web1, người dùng tiếp nhận thông tin một cách thụ động, không nhiều nhà sáng tạo nội dung hoạt động trên nền tảng này. Các nội dung xuất hiện dưới dạng đơn giản, thường chỉ có chữ, số và ảnh tĩnh. Web1 bị giới hạn bởi tốc độ đường truyền Internet, trong khi các thiết bị di động chưa thịnh hành và máy tính vẫn là cỗ máy cồng kềnh.


Đến 2004, tại hội nghị do O’Reilly Media và MediaLive tổ chức, John Battelle và Tim O’Reilly định nghĩa Internet như một nền tảng, nơi ai cũng có thể tham gia sáng tạo nội dung và xây dựng cộng đồng. Khái niệm này được gọi là Web2 và khi mới ra đời, nó cũng vấp phải không ít sự hoài nghi và bị cho là chứa nhiều lỗ hổng bảo mật.


Ví dụ tiêu biểu nhất về Web2 là các mạng xã hội như Facebook, Twitter hay từ điển Wikipedia. Xu hướng này bùng nổ nhờ sự phổ biến của thiết bị di động, mạng xã hội và lưu trữ đám mây. Đến nay, Web2 vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, nhưng không ít người lo ngại các tập đoàn công nghệ lớn nắm trong tay quá nhiều thông tin của người dùng. Vì vậy nhiều người tin bước tiến tiếp theo của Internet sẽ là Web3, nơi dữ liệu chỉ thuộc về chính người dùng.


Web3 được thúc đẩy nhờ sự phát triển của blockchain, AI và sức mạnh xử lý phần cứng từ các thiết bị di động có hiệu năng mạnh, máy tính cá nhân và cả xe điện thông minh. Tất cả được cho là sẽ kết nối, chia sẻ tài nguyên, xử lý thông tin để tạo ra một hệ thống xử lý dữ liệu phi tập trung khổng lồ.


Có ba yếu tố định hình tương lai Web3: Độ mở từ mã nguồn của tất cả lập trình viên; Tính ẩn danh cho phép người dùng tương tác với nhau một cách công khai hoặc bí ẩn; và Tính phi tập trung, cho phép bất kỳ ai cũng có thể tham gia cung cấp, sử dụng dịch vụ trong Web3 thay vì phải thông qua một tổ chức, công ty bất kỳ.


Web1 và Web2 tạo nên các cuộc cách mạng Intetnet, cho phép người dùng giảm thiểu chi phí liên lạc, dễ dàng kết nối. Còn Web3 được kỳ vọng có thể mở ra kỷ nguyên kết nối mới để người dùng có thể trao đổi, cộng tác với nhau mà không cần qua một trung gian, yếu tố tín nhiệm cũng không còn quá quan trọng.



Đăng nhận xét (0)
Mới hơn Cũ hơn