Bitcoin đạt gần 70.000 USD, "memecoin" trị giá hàng tỷ USD, một danh sách ‘bom tấn’ ở Phố Wall và một cuộc ‘đàn áp’ sâu rộng ở Trung Quốc: Năm 2021 đã trở thành năm ‘hoang dã’ nhất đối với tiền điện tử mặc dù đây vốn là loại tài sản có bản chất dễ biến động.
Tài sản kỹ thuật số bước vào năm 2021 với những xáo trộn mạnh mẽ và những ‘bước ngoặt’ trong tâm lý nhà đầu tư, gồm cả nhà đầu tư lớn và nhà đầu tư nhỏ. Từ chỗ chưa được phổ biến nhiều, thuật ngữ ‘tiền điện tử’ đã củng cố được vị trí vững chắc trong vốn từ vựng của các nhà đầu tư.
Dưới đây là một số xu hướng chính của thị trường tiền điện tử trong năm 2021.
1 / Bitcoin: Vẫn là số 1
Bất chấp sự nổi lên cạnh tranh gay gắt của hàng loạt những loại tiền điện tử nhỏ, đồng Bitcoin vẫn là mã thông báo lớn nhất và nổi tiếng nhất.
Bitcoin (BTC) đã tăng hơn 120% giá trị kể từ ngày 1/1/2021 lên mức kỷ lục đầu tiên là gần 65.000 USD vào giữa tháng 4/2021. Động lực thúc đẩy giá tăng khi đó là cơn ‘sóng thần’ tiền mặt đến từ các tổ chức đầu tư, với việc các tập đoàn lớn như Tesla và Mastercard thông báo chấp nhận đồng Bitcoin và các ngân hàng Phố Wall cũng ngày càng chấp nhận đồng tiền này.
Yếu tố tiếp theo thúc đẩy sự quan tâm của nhà đầu tư là tính chất chống lạm phát có mục đích của Bitcoin – có nguồn cung hạn chế - khi các gói kích thích kỷ lục từ các ngân hàng trung ương đẩy lạm phát gia tăng trên toàn cầu. Với khả năng có lợi nhuận nhanh chóng trong bối cảnh lãi suất thấp kỷ lục và khả năng tiếp cận dễ dàng hơn thông qua cơ sở hạ tầng đang phát triển nhanh, cũng giúp thu hút người mua Bitcoin.
Sự kiện tiêu biểu cho việc tiền điện tử trở nên phổ biến hơn là việc Coinbase lên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ vào tháng 4/2021 với trị giá 86 tỷ USD, trở thành công ty tiền điện tử lớn nhất từ trước tới nay.
Chuyên gia Richard Galvin của quỹ tiền điện tử Digital Capital Asset Management cho biết: "Bitcoin được chuyển sang giao dịch như kho bạc và cổ phiếu, với các nhà đầu tư đặt cược vào tài sản này".
Tuy nhiên, đồng bitcoin sau đó vẫn biến động mạnh, và đã giảm 35% giá trị vào tháng 5/2021, trước khi tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại, là 69.000 USD vào tháng 11/2021, khi lạm phát gia tăng trên khắp châu Âu và Mỹ.
Mặc dù đã trở nên khá phổ biến, song vẫn có không ít người hoài nghi loại tài sản mới mẻ này. Giám đốc JPMorgan, ông Jamie Dimon, gọi đây là thứ "vô giá trị".
Bitcoin năm 2021 biến động như tàu lượn |
2 / Các memecoins tăng vọt
Ngay khi bitcoin vẫn là mục tiêu để các nhà đầu tư ‘nhúng chân’ vào thị trường tiền điện tử, một loạt các token mới - một số người gọi là trò đùa - đã gia nhập lĩnh vực này.
"Memecoins" - một bộ sưu tập các tiền điện tử khác nhau, từ dogecoin và shiba inu đến squid game có nguồn gốc từ văn hóa web - thường ít được sử dụng trong thực tế.
Dogecoin, được ra mắt vào năm 2013 như một phiên bản phụ của bitcoin, đã tăng giá hơn 12.000% lên mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 5/2021 trước khi giảm gần 80% vào giữa tháng 12. Shiba inu, ý tưởng từ một giống chó Nhật Bản như dogecoin, đã nhanh chóng lọt vào top 10 loại tiền kỹ thuật số lớn nhất.
Dogecoin đã lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử vào tháng 5. |
Hiện tượng memecoin có liên quan đến phong trào "Wall Street Bets", nơi các nhà giao dịch nhỏ lẻ quy tụ lại để dồn tiền vào cổ phiếu như GameStop Corp, đã gây ra làn sóng bán tháo của các quỹ đầu cơ.
Nhiều nhà giao dịch – năm 2021 bị mắc kẹt ở nhà do chính sách giãn cách xã hội chống Covid-19 - đã chuyển sang tiền điện tử, ngay cả khi các nhà quản lý lên tiếng cảnh báo về sự biến động rất thất thường của loại hình tiền tệ này.
Joseph Edwards, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thuộc công ty môi giới tiền điện tử Enigma Securities cho biết: "Tất cả là do việc huy động tài chính", "Mặc dù bản thân các tài sản như DOGE và SHIB có thể chỉ là đầu cơ, nhưng tiền chảy vào các đồng tiền đó là do bản năng 'tại sao tôi không nên kiếm tiền bằng tiền tiết kiệm?'"
Sức hút của các token như dogecoin và shiba inu đã tạo ra những thị trường trị giá hàng tỷ USD mỗi ngày. |
3 / Quy tắc "Con voi lớn trong phòng) [The (large) elephant in the room]
Khi tiền đổ vào tiền điện tử, các nhà quản lý băn khoăn về những gì họ cho là rủi ro tiềm ẩn, như là nơi để rửa tiền, và đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu.
Vốn từ lâu vẫn hoài nghi về tiền điện tử - một công nghệ bị cho là ‘nổi loạn’, được phát minh để phá hoại nền tài chính truyền thống, các cơ quan giám sát đã tìm cách gia tăng quyền lực đối với lĩnh vực này. Một số trong đó đã cảnh báo người tiêu dùng về tính chất biến động rất mạnh của tiền điện tử.
Những quy tắc mới xuất hiện và thị trường tiền điện tử đã trở thành đối tượng bị ‘đàn áp’.
Khi Bắc Kinh đưa ra những quy định hạn chế tiền điện tử vào tháng 5, bitcoin đã mất gần 50%, kéo toàn thị trường tiền điện tử lao dốc.
Stephen Kelso, người phụ trách tài chính toàn cầu của ITI Capital, cho biết: "Rủi ro pháp lý là yếu tố quyết định vì đó là những quy tắc sống còn trong các dịch vụ tài chính", "Các cơ quan quản lý đang tiến bộ dần, họ đang bắt kịp thực tế."
4 / NFTs
Khi giao dịch memecoin trở nên lan truyền, một góc khuất khác trước đây của khu phức hợp tiền điện tử cũng chiếm được ánh đèn sân khấu.
Năm 2021, các NFT (Non-fungible token, tạm dịch là ‘Token không thể thay thế’) - các chuỗi mã được lưu trữ trên sổ cái kỹ thuật số blockchain, đại diện cho quyền sở hữu duy nhất đối với các tác phẩm nghệ thuật, video hoặc thậm chí là tweet – đã bùng nổ.
Vào tháng 3, một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số của nghệ sĩ người Mỹ Beeple được bán với giá gần 70 triệu USD tại Christie's, nằm trong số ba tác phẩm đắt giá nhất của một nghệ sĩ còn sống được bán đấu giá.
Từ sự khởi đầu đó, hàng loạt các giao dịch NFT diễn ra mạnh mẽ trong năm 2021, với doanh thu trong quý 3 đạt 10,7 tỷ USD, tăng hơn 8 lần so với quý 2. Khi khối lượng giao dịch các NFT đạt đỉnh vào tháng 8, khi giá một số NFT đã tăng nhanh chóng đến mức các nhà đầu cơ có thể "lật kèo" để kiếm lời chỉ trong vài ngày, hoặc thậm chí vài giờ.
Giá tiền điện tử tăng vọt tạo ra một nhóm mới gồm các nhà đầu tư giàu có tiền điện tử - cũng như những dự đoán về tương lai của thế giới ảo trực tuyến nơi NFT đóng vai trò trung tâm - đã giúp thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường này.
John Egan, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu L'Atelier thuộc sở hữu của BNP Paribas cho biết, tiền điện tử và sự phổ biến của NFT cũng có thể liên quan đến sự giảm di chuyển của mọi người trong xã hội.
Mặc dù một số thương hiệu hàng đầu thế giới, từ Coca-Cola đến Burberry, đã bán NFT, nhưng quy định vẫn còn lỏng lẻo. Do đó, ông Egan cho rằng: "Tôi không thấy tình huống nào mà các tổ chức tài chính được cấp phép đang giao dịch tích cực và mạnh mẽ (những) tài sản kỹ thuật số này trong ba năm tới".
Doanh số NFT trên sàn Opensea đã đạt 3,4 tỷ USD trong tháng 8 |